“Chảo lửa” Ninh Thuận cần thêm hồ chứa nước

Ninh Thuận là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề và thường xuyên nhất của hạn hán. Thế nhưng, hiện nay hệ thống thủy lợi tại đây chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ nên không phát huy hết hiệu quả trong mùa khô. Hàng năm, người dân Ninh Thuận vẫn… “chạy” hạn!
“Chảo lửa” Ninh Thuận cần thêm hồ chứa nước

Ninh Thuận là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề và thường xuyên nhất của hạn hán. Thế nhưng, hiện nay hệ thống thủy lợi tại đây chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ nên không phát huy hết hiệu quả trong mùa khô. Hàng năm, người dân Ninh Thuận vẫn… “chạy” hạn!

Nước mặt, nước ngầm đều cạn

Ninh Thuận giáp biển nhưng lại có khí hậu khô nóng, mùa khô kéo dài đến 8 tháng và lượng nước bốc hơi gấp 6 lần lượng mưa nên được ví như “chảo lửa”. Tuy bao đời qua, việc thích ứng với hạn hán đã quá quen thuộc với người dân Ninh Thuận, nhưng mùa khô khốc liệt trong năm nay khiến dân Ninh Thuận điêu đứng hơn khi nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước uống trầm trọng; cây hoa màu, gia súc chết khô hàng loạt. Thống kê sơ bộ, năm 2015, tỉnh Ninh Thuận có hơn 10.299ha đất sản xuất thiếu nước tưới.

Trong những năm qua, Chính phủ đã đầu tư cho tỉnh xây dựng 20 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế hơn 192 triệu m³, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 33.000ha đất canh tác lúa và màu của người dân. Tuy nhiên hiện nay, các công trình thủy lợi trên mới đáp ứng cấp nước tưới khoảng 75% nhu cầu nên nạn thiếu nước vẫn diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, các công trình này còn gồng mình cấp nước thô cho nhà máy nước sạch để phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 570.000 dân trong tỉnh và các khu du lịch Bình Tiên, xi măng Luck, khai thác Titan… nên nguồn cung ngày hạn chế.

Một hồ chứa nước tại Ninh Thuận cạn đáy trong mùa khô

Để có thêm nguồn nước, thời gian qua người dân phải khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt, dẫn đến tình trạng mực nước ngầm ngày càng sụt giảm và dự báo sau mùa khô năm nay, nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt gấp nhiều lần nữa.

Ông Trương Văn Vĩ (huyện Thuận Nam) cho biết, chưa bao giờ đàn cừu và vườn cỏ gia đình ông lại “khát” như năm nay. Những năm trước, vào mùa mưa, những giếng đào giữa các vùng trồng cỏ đủ sức lo cho đàn gia súc và tưới cỏ xanh tốt, nhưng năm nay dù đào thêm nhiều hố, giếng nhưng rất khó tìm được nguồn nước ngầm. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, Ninh Thuận có đến 5.497 hộ với 23.130 nhân khẩu thiếu nước, hàng ngàn con gia súc chết do nắng nóng kéo dài.

Hỗ trợ đặc thù

Để ổn định cuộc sống người dân, tỉnh Ninh Thuận đã nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ và người dân cả nước. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ninh Thuận, cho biết, theo quy hoạch thủy lợi giai đoạn hiện tại, mỗi năm tổng nhu cầu dùng nước của toàn tỉnh trên 1 tỷ m³ và đến năm 2020 lên 1,3 tỷ m³. Tuy nhiên, ở Ninh Thuận chỉ có 2 nguồn nước chính để phục vụ các nhu cầu là lượng nước xả từ hồ Đơn Dương qua thủy điện Đa Nhim với lưu lượng bình quân khoảng 18m³/s (tương đương 500 triệu m³/năm) và nguồn nước của sông Cái với lưu lượng bình quân khoảng 30m³/s (tương đương 946 triệu m³/năm). Thế nhưng, lượng nước trên sông Cái chỉ tập trung các tháng mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 11, chiếm 80% tổng lượng nước trong năm), còn đến mùa khô không có nước.

Một trong những giải pháp được tỉnh Ninh Thuận đưa ra là phải đầu tư xây dựng thêm hồ thủy lợi, hồ chứa để điều tiết nước trong mùa khô. Hiện Ninh Thuận đã xây 21 hồ chứa với tổng dung tích 193,4 triệu m³, nhưng so với nhu cầu hiện nay vẫn còn thiếu, vì vậy cần phải xây thêm 22 hồ chứa với tổng dung tích 347 triệu m³ mới đáp ứng nhu cầu của tỉnh đến năm 2020.

Ông Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý cho Ninh Thuận ứng vốn ngân sách xây dựng hồ chứa Tân Mỹ để kết thông với các hồ chứa nhỏ lân cận. Khi dự án hoàn thành, Ninh Thuận sẽ có thêm hàng ngàn hécta đất nông nghiệp đảm bảo được nguồn nước sản xuất. Nhưng về lâu dài, các công trình thủy lợi tại Ninh Thuận cần được đầu tư xây dựng đồng bộ với số vốn không nhỏ. Vì vậy, nếu Chính phủ không có cơ chế đặc thù hỗ trợ riêng cho Ninh Thuận, thì tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô vẫn hết sức quan ngại.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục