Chảo lửa Syria: Ghouta có thể hoang tàn hơn nữa

Ngày 19-2, các lực lượng của Syria đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, đang do lực lượng phiến quân kiểm soát. Nhiều người dân đã đóng gói hành lý và thuê phòng ở ngoại ô đề phòng một chiến dịch quân sự sắp diễn ra.

 

 

Chảo lửa Syria sắp bùng phát ở Ghouta
Chảo lửa Syria sắp bùng phát ở Ghouta
“Hổ Syria” chờ đợi cuộc đàm phán

Có thể lực lượng tinh nhuệ “Hổ Syria” sẽ tấn công vào đêm 19-2 hoặc rạng sáng 20-2, khi chiến trường đã được pháo kích dọn dẹp các điểm hỏa lực. Trước đó, ngày 18-2, các đơn vị pháo binh và phóng tên lửa của quân đội Arab Syria (SAA) và lực lượng tinh nhuệ “Hổ Syria” đã tấn công hàng chục vị trí của các lực lượng phiến quân ở Đông Ghouta. Theo các nguồn tin, các cuộc tấn công này có thể là giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự được chuẩn bị từ lâu để quét sạch lực lượng đối lập ở Đông Ghouta. Trong những ngày gần đây, chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã điều động quân tiếp viện trên toàn quốc tới khu vực giáp Đông Ghouta. Theo các thỏa thuận, Chính phủ Syria sẵn sàng giải phóng các vùng lãnh thổ xung quanh Damascus, nơi bị các lực lượng chống chính phủ chiếm đóng, đồng thời cho phép các tay súng phiến quân di tản khỏi đây và tới những khu vực khác mà lực lượng này kiểm soát.

Trong khi đó, người đứng đầu Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abdel Rahman cho biết, các cuộc thương lượng đang diễn ra, với sự can dự của Nga, liên quan đến việc di tản các tay súng thánh chiến tại Ghouta, trong đó có những khu vực áp sát Damascus. Nếu đạt được một thỏa thuận về Đông Ghouta, các tay súng thánh chiến nhiều khả năng sẽ được di chuyển tới tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, đó có thể là chỉ dấu báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc tấn công. 

Nga cảnh báo “Mỹ đừng đùa với lửa”

Trong khi đó ở miền Bắc Syria, các lực lượng người Kurd ở Syria và quân đội Syria đã đạt được một thỏa thuận về việc để quân đội Syria tiến vào vùng Afrin nhằm ngăn chặn chiến dịch “Nhành ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ tại đây. Ngày 20-1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch “Nhành ôliu” nhằm đánh bật các tay súng thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd  (YPG) tại Afrin. Chiến dịch này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ do YPG là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố. 

Tuy nhiên, nhiều nước cũng lo ngại chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc của Syria. Hãng tin Sputnik ngày 19-2 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Mỹ ở Syria. Ông Lavrov cho rằng, mục đích của Mỹ là muốn chia rẽ Syria, đồng thời cáo buộc Washington sử dụng người Kurd nhằm làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ của Syria. Ông khẳng định chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được bảo vệ phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của LHQ. Người Kurd đang bị lợi dụng trong ván cờ mà không hề có chút liên quan đến lợi ích của họ. Ông Lavrov hối thúc kiềm chế lợi dụng cái gọi là “nhân tố người Kurd”.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga tố cáo Mỹ có mục đích chia rẽ Syria để thành lập một chính quyền tự trị do người Kurd thống lãnh. Với chiến sự ở Syria bùng nổ từ năm 2011, lực lượng người Kurd nhanh tay xem đây là cơ hội và tuyên bố thành lập một chính quyền bán tự trị dọc biên giới phía Bắc Syria. 

Trong khi đó, trang mạng National Interest vừa đăng tải một bài viết, trong đó cho rằng Mỹ nên từ bỏ các hành động đơn phương ở Syria và theo đuổi con đường ngoại giao đa phương. National Interest dẫn ý kiến của giới chuyên gia nhận định rằng, Chính phủ Mỹ cần nhanh chóng phản ứng trước tình hình thay đổi ở Trung Đông và xây dựng một chiến lược hành động mới. Đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch “Nhành ôliu” chống lại lực lượng người Kurd ở Afrin, trong trường hợp này, nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tăng lên bởi Washington luôn tích cực hỗ trợ lực lượng người Kurd.

Tin cùng chuyên mục