Chấp nhận thách thức để sáng tạo đi lên

Ngày 26-7, Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TPHCM giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

 Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chủ trì hội thảo.

Lãnh đạo phải là “bà đỡ” cho sáng tạo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông báo, sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, nếu không hoàn thiện, thay đổi trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện thì nhiều mục tiêu sẽ không đạt được. Vì thế, việc khơi dậy, phát huy nguồn lực con người gắn với năng lực sáng tạo có ý nghĩa quan trọng. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt hàng các đại biểu cách khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để TPHCM phát triển.

Nhiều đại biểu dự hội thảo có chung nhận xét: Mỗi khi thực tiễn gặp khó khăn cũng là lúc xuất hiện các sáng kiến mới từ sự sáng tạo của TPHCM. Theo nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực, truyền thống năng động sáng tạo trở thành thuộc tính của TPHCM. Nhớ về giai đoạn sau chiến tranh, đất nước khó khăn chồng chất, người dân phải ăn cơm độn, đồng chí Phạm Chánh Trực nhắc lại hình ảnh lãnh đạo TPHCM giai đoạn đó, tiêu biểu là Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt, đã lao vào thực tiễn để tìm lối thoát cho khủng hoảng.

“Một hôm, đồng chí Võ Văn Kiệt gặp công nhân trong giờ ăn cơm, thấy hầu hết các anh chị chỉ có cơm độn với ít rau muống hay mấy lát dưa, đồng chí không kìm được xúc động. Đồng chí hỏi nếu có thêm nguyên liệu, anh chị em có làm thêm ca không? Ai nấy đều đồng ý ngay. Vậy là người lãnh đạo đã tìm ra lời giải và các kế hoạch đã ra đời, tạo thế “xé rào” rồi lan tỏa trong nhiều ngành cùng một số tỉnh bạn”, đồng chí Phạm Chánh Trực chia sẻ. Theo đồng chí Phạm Chánh Trực, sự năng động sáng tạo đã giúp TPHCM tự cứu mình và góp công đầu để cả nước vượt qua khủng hoảng bằng cách chuyển đường lối kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang đổi mới.

Suốt hành trình đổi mới sau này, TPHCM đã sáng tạo không ngừng và đã xuất hiện hàng loạt mô hình mới. Trong điều kiện hiện nay, đồng chí Phạm Chánh Trực cho rằng, xây dựng động lực hành động, động lực vì nước vì dân chính là giải pháp duy trì và phát huy ngọn lửa năng động sáng tạo. Với cán bộ, đảng viên, động lực hành động dựa trên 3 yếu tố: lý tưởng, lòng yêu nước thương dân; môi trường phục vụ dân chủ, minh bạch, thân thiện và đời sống vật chất thích đáng.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo chỉ ra 2 khó khăn lớn nhất trong việc thúc đẩy sáng tạo là những ràng buộc về cơ chế, thể chế và năng lực quản lý điều hành. “Muốn sáng tạo thì TPHCM phải gỡ cơ chế. Tôi không nghĩ đội ngũ cán bộ trì trệ, không dám đổi mới. Họ sẵn sàng đổi mới, nếu lãnh đạo dám đứng ra “đỡ đòn” cho các sáng tạo, đổi mới”, đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh. Cụ thể, người lãnh đạo phải là “bà đỡ” của sự sáng tạo, đứng đằng sau sự đột phá, đỡ cho cán bộ của mình.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Bày tỏ đồng tình, TS Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng rất cần những “bà đỡ” cho phong trào sáng tạo. Đây là những người lãnh đạo có tầm tri thức, có lòng bao dung và có trách nhiệm để phát huy tính năng động sáng tạo. Có như vậy, những nhân tố tích cực, sáng tạo mới được bảo vệ, chia sẻ những khó khăn, trở ngại, thậm chí những lúc bị thất bại nhất thời của người năng động sáng tạo chân chính.


Người dân sáng tạo quyết định phát triển

Bày tỏ tâm đắc trước các ý kiến đóng góp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích, TPHCM có truyền thống sáng tạo, là trung tâm sáng tạo của cả nước. Trong thực tiễn, TP từng gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, những trở lực cả về cơ chế, chính sách, cả trong đời sống thực tế lẫn tư duy nhận thức. Song, Đảng bộ và nhân dân TP đã tìm cách tháo gỡ và không ngừng phát triển. Hiện nay, TPHCM cũng đứng trước các thách thức mới, như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số… Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, một bài học rất rõ ràng là những quốc gia nào, những địa phương nào có ý thức đầy đủ về các thách thức thì sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo. Nếu không có sáng tạo, TPHCM sẽ bị tụt hậu.

“Tất cả các khó khăn của TPHCM đều có thể giải quyết được, nếu thực sự phát huy được sự sáng tạo của người dân TP. Gặp khó khăn cũng là lúc tìm ra giải pháp sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho rằng, phát huy sáng tạo là yêu cầu từ thực tiễn, là để TPHCM phát triển.

Đề cập đến nguồn lực của TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến tài nguyên lớn nhất là 10 triệu dân. Sức sáng tạo của người dân TPHCM chính là sự quyết định phát triển của TPHCM. Minh họa thêm cho đánh giá này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng: Israel chỉ có khoảng 8,7 triệu dân nhưng hiện là một trong những quốc gia phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, có chỉ số sáng tạo cao nhất thế giới. Tương tự, Nhật Bản, Singapore cũng có sự phát triển vượt bậc bằng sáng tạo, trí tuệ và năng lực con người. Chính vì vậy, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM phải tạo được sự lôi cuốn, lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo đến tất cả người lao động, chính quyền, cấp ủy các cấp.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, mỗi đảng viên là một người sáng tạo hoặc ủng hộ, hỗ trợ sáng tạo; mỗi chi bộ là một tổ chức sáng tạo, ủng hộ sáng tạo. Cùng với đó, phải tạo môi trường, cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích sáng tạo; đồng thời có cơ chế ghi nhận, tuyên dương người sáng tạo cả về vật chất lẫn tinh thần. “Trách nhiệm của các cấp làm bà đỡ cho đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ người sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ nhưng cũng cảnh báo không coi vi phạm pháp luật là con đường sáng tạo. Đặc biệt, để sáng tạo rộng lớn, hiệu quả thì phải tạo bầu không khí để mỗi công chức, mỗi người dân được quyền chất vấn và yêu cầu thay đổi bởi “không có một chân lý cố định, luôn có giải pháp tốt hơn”. Cùng với văn hóa phản biện thì phải biết chấp nhận có thất bại để trưởng thành.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, hội thảo này là sự mở đầu cho một chuỗi các hoạt động của Đảng bộ TPHCM từ đây đến hết nhiệm kỳ. Thông qua đó, khơi dậy ý thức, phát huy tài nguyên quan trọng nhất là con người sáng tạo, phát huy năng lực sáng tạo trong thực tiễn. “Lúc khó khăn nhất chính là lúc có cơ hội sáng tạo. Đây là thời cơ, TP chấp nhận thách thức để sáng tạo đi lên”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chuyển tải thông điệp.

                                  ___________________________________
GS-TS VÕ VĂN SEN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM: Quản trị tốt và giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân

Bài học thành công từ Singapore, trước tiên là nền quản trị tốt. Một nền hành chính công trong sạch, hiệu quả, có năng suất cao và thu hút được nhân tài. Bí quyết trị dứt căn bệnh tham nhũng của Singapore xuất phát từ một nguyên tắc hết sức đơn giản. Đó là trả lương cho công chức thật cao để họ tập trung cho công việc và không cần, không phải tham nhũng. Thứ hai, Singapore đã đi trước các xu hướng để trở thành thiên đường cho các công ty khởi nghiệp. Thứ ba, gắn phát triển kinh tế với tạo việc làm cho người dân. Đặc biệt, thứ tư, Singapore làm tốt việc giải quyết vấn đề nơi ở cho người dân. 90% dân số Singapore sinh sống trong các căn hộ do chính phủ đầu tư và bán lại. Người dân không phải lo về vấn đề nhà ở, mới có điều kiện sáng tạo, phát triển…

Từ Singapore, gợi mở chính sách phát triển cho TPHCM. Theo đó, TPHCM cần tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy các nghiên cứu khoa học - công nghệ gắn với cuộc sống; nâng cao tính hiệu lực hiệu quả của bộ máy công quyền, xây dựng một nền quản trị năng động; quy hoạch hạ tầng đô thị gắn với liên kết vùng trọng điểm phía Nam.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM DƯƠNG ANH ĐỨC: Mỗi thầy cô, mỗi lãnh đạo phải thúc đẩy sáng tạo

TPHCM cần khơi dậy tinh thần sáng tạo ở cấp thấp nhất, từ mầm non, đến đại học và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tiếp đó là nuôi dưỡng tinh thần đó. Sáng tạo là kỹ năng đặc biệt, muốn sáng tạo tốt thì phải có phương pháp. Kỹ năng và phương pháp đều rèn luyện được. Vì vậy, mỗi thầy cô ở trường học, mỗi lãnh đạo ở cơ quan phải là “huấn luyện viên”, thúc đẩy được sự sáng tạo ở học trò và nhân viên của mình. TPHCM cũng cần có cơ chế tưởng thưởng xứng đáng để người dân biết sáng tạo trước tiên mang lại lợi ích cho bản thân, sau đó là TPHCM và đất nước.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM TRƯƠNG LÝ HOÀNG PHI: Thu hút các nhóm khởi nghiệp quốc tế đến TPHCM

TPHCM có chính sách nhưng chưa đủ nhiều để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp vẫn cô đơn trong đổi mới sáng tạo. Do đó, TPHCM nên tạo ra hệ sinh thái, tạo nguồn lực tốt hơn để doanh nghiệp phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, TPHCM nên đột phá về chính sách, không chỉ là phát huy nhân lực ở TPHCM, mà khuyến khích, thu hút các nhóm khởi nghiệp của quốc tế đến TPHCM - tạo ra sự cọ xát cho các nhóm khởi nghiệp ở Việt Nam cùng học hỏi, phát triển.

Tin cùng chuyên mục