Chất lượng bệnh viện: Được chăng hay chớ

Sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” hồi giữa tháng 7-2016, Bộ Y tế công bố rằng có tới 87,67% bệnh nhân hài lòng đối với dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của “bộ mặt” ngành y tế trong hàng loạt tiêu chí được đánh giá. Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện (BV) diễn ra tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận có thay đổi tích cực nhưng nhiều dịch vụ, thái độ vẫn như thời bao cấp…
Chất lượng bệnh viện: Được chăng hay chớ

Sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” hồi giữa tháng 7-2016, Bộ Y tế công bố rằng có tới 87,67% bệnh nhân hài lòng đối với dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của “bộ mặt” ngành y tế trong hàng loạt tiêu chí được đánh giá. Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện (BV) diễn ra tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận có thay đổi tích cực nhưng nhiều dịch vụ, thái độ vẫn như thời bao cấp…

Khám cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở TPHCM

Còn vô cảm

Thực hiện Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đến nay Bộ Y tế đã triển khai điều chỉnh đợt thứ 2, sau khi đã tăng đợt 1 lên mức xấp xỉ 30%, và hiện đang tiếp tục điều chỉnh lần 3 nhằm hướng đến “tính đúng, tính đủ” 100% vào năm 2017. Thế nhưng, dịch vụ y tế đã tăng mà chất lượng BV không tăng tương xứng. Tại hội nghị cung cấp thông tin về kết quả thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) do BHXH Việt Nam tổ chức tại TPHCM, một vị đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang chua chát cho rằng có trường hợp còn… vô cảm, tạo cho người dân chưa đặt niềm tin để mua BHYT. Dẫn chứng vị này đưa ra là có trường hợp người cha đưa con vô BV huyện nhổ răng sâu nhưng bác sĩ nhổ cái răng lành. Khi người cha chạy vô thắc mắc thì bác sĩ “cười trừ” nói: Thì nhổ lại (!?).

Trong khi đó, các chuyên gia BHXH nhận định giá dịch vụ y tế tăng đã trở thành “cơ hội” cho một số cơ sở y tế lạm dụng, trục lợi BHYT. Theo ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách BHYT, có một số cơ sở y tế không kể bệnh nào, cũng ít nhất ghi 3 chẩn đoán, đau từ đầu tới chân… Và mới đây, BHXH Việt Nam đã phanh phui nhiều địa phương trục lợi BHYT lên tới hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến nguy vỡ quỹ BHYT. Khảo sát của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số BV công khai bảng giá chưa đầy đủ, chưa rõ đối tượng áp dụng và chưa ở vị trí thuận tiện dễ nhìn; bảng kê thanh toán ra viện chưa đúng quy định, có BV có tới 3 bảng kê; các BV vẫn thu thêm của người bệnh hoặc đề nghị cơ quan BHXH thanh toán một số chi phí vật tư y tế, thuốc đã kết cấu vào giá; vẫn còn tình trạng phòng khám bệnh, phòng điều trị không có quạt, điều hòa nhiệt độ, ghế ngồi, nước uống…

Ngay tại TPHCM, nhiều BV vẫn chưa làm bệnh nhân hài lòng. Trong thang điểm tối đa Sở Y tế đưa ra để đánh giá sự hài lòng của người bệnh là 4 điểm, không có một BV nào đạt được số điểm trên. Đối với các BV trực thuộc Sở Y tế, vẫn còn đến 10,3% BV có điểm trung bình trong điều trị ngoại trú dưới 3 điểm. Theo khảo sát của Công ty Nilesen về sự hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh tại các BV thuộc Sở Y tế TPHCM, một trong những điểm yếu lớn nhất khiến người bệnh không hài lòng là chất lượng dịch vụ, kế đến là cơ sở vật chất, thái độ cán bộ, nhân viên của BV. Trong đó, chất lượng dịch vụ khiến bệnh nhân không hài lòng rất cao, lên đến 16%.  

Bỏ ngay kiểu quan liêu, bao cấp

Thống kê của Văn phòng Bộ Y tế cho thấy, trong số hơn 4.000 cuộc gọi tới đường dây nóng y tế trong hơn một năm qua thì việc phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế chiếm nhiều nhất với hơn 1.640 cuộc (!?). Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng BV diễn ra tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế với người bệnh đã có nhiều tiến bộ nhưng trong ngành vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Bộ trưởng Y tế đánh giá vấn đề về quản lý BV vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa được nâng cao, thậm chí tại một số BV hạng đặc biệt, hạng 1, việc quản lý xử lý rác thải, quản lý các dịch vụ an ninh… đang còn kém. “Tư duy quản lý chất lượng BV vẫn còn như thời bao cấp, đang còn bằng lòng với tất cả, chưa có sự linh hoạt, nhạy bén để thay đổi cách quản lý nhằm hướng tới sự hài lòng người bệnh”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành bộ công cụ nhằm đánh giá thực trạng chất lượng BV ở Việt Nam và có hướng can thiệp để nâng chất lượng BV. Bộ công cụ bao gồm 83 tiêu chí, trong đó có 19 tiêu chí hướng đến người bệnh, 14 tiêu chí hướng đến phát triển nguồn nhân lực, 38 tiêu chí liên quan đến chất lượng chuyên môn, 8 tiêu chí về cải tiến chất lượng và 4 tiêu chí đặc thù chuyên khoa. Theo đó, các BV phải lấy người bệnh làm trung tâm… Tuy nhiên, qua hơn 2 năm triển khai, các chuyên gia y tế đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh chưa cao; tình trạng tai biến sau điều trị còn nhiều nhưng không được công khai; quy trình khám chữa bệnh chưa chuẩn hóa; tiếng nói người bệnh chưa được tôn trọng; thái độ y bác sĩ còn chưa đúng mực… Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận vẫn còn rất nhiều tồn đọng thách thức ngành y như thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận người làm việc trong BV chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc bệnh nhân chưa chặt chẽ, còn nhiều trường hợp mổ nhầm…

 Giám đốc bệnh viện không nhất thiết là tiến sĩ, thạc sĩ

Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng BV vừa diễn ra tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay vẫn có tư duy cũ, đưa ra quy định bắt buộc giám đốc sở phải biết nhiều ngoại ngữ, giám đốc BV hạng 1 phải là tiến sĩ...  Nhưng giỏi như vậy để làm gì nếu như không biết quản lý BV (!?). Bộ trưởng Y tế cho rằng để nâng cao chất lượng, ngoài chất lượng chuyên môn tốt, phải có quản trị tài chính, quản trị hạ tầng, quản trị nhân sự, quan hệ xã hội và truyền thông... tốt.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục