Chất lượng đại học quốc tế tại TPHCM phải được thể hiện ở “đầu ra”

Ngày 5-11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã phối hợp với CLB Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Chất lượng đào tạo đại học quốc tế ở TPHCM” với sự tham gia của nhiều cán bộ quản lý, giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học trong nước và quốc tế trên địa bàn TPHCM.
Chất lượng đại học quốc tế tại TPHCM phải được thể hiện ở “đầu ra”

(SGGP). – Ngày 5-11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã phối hợp với CLB Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Chất lượng đào tạo đại học quốc tế ở TPHCM” với sự tham gia của nhiều cán bộ quản lý, giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học trong nước và quốc tế trên địa bàn TPHCM.

Theo ý kiến của các đại biểu, hiện chúng ta vẫn chưa xác định thế nào là tiêu chuẩn của một trường quốc tế: là trường có giáo viên nước ngoài, trường giảng dạy theo giáo trình nước ngoài, có sinh viên (SV) nước ngoài theo học hay là đào tạo SV Việt Nam làm việc cho công ty nước ngoài?

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học trên máy. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học trên máy. Ảnh: MAI HẢI

Một số vấn đề khác cũng được các đại biểu bức xúc nêu ra như: Việt Nam khá “thoáng” trong việc cho phép thành lập các trường đại học quốc tế, quản lý số lượng SV, mức học phí và chương trình giảng dạy trong khi nhiều nước khác kiểm soát vấn đề này rất chặt chẽ; rất nhiều môn học không phù hợp với sở thích của SV và nhu cầu của xã hội… Đó là những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo của các trường đại học quốc tế đang bị “thả nổi”.

Từ đó, các đại biểu cho rằng trường đại học có chất lượng quốc tế hay không cần được đánh giá qua chất lượng đầu ra chứ không phải qua mác “quốc tế”; và các trường cần đào tạo theo hướng cung cấp kỹ năng tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ có chất lượng cho SV theo học.

Tình trạng đa số SV Việt Nam khi đi du học vẫn mang nặng tư tưởng “du” nhiều hơn “học” cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm, trao đổi tại buổi tọa đàm.

Các đại biểu dẫn chứng: ở Đài Loan (Trung Quốc), sau thời gian hàng loạt SV đi nước ngoài học thì lãnh thổ này bùng nổ công nghệ bán dẫn; ở Hàn Quốc, sau khi du học sinh của họ trở về thì đất nước này phát triển mạnh công nghệ đóng tàu. Nhưng ở Việt Nam, kết quả cụ thể của quá trình SV đi du học chưa rõ ràng, mà một trong những nguyên nhân là do Nhà nước chưa định hướng cụ thể về những ngành cần khuyến khích SV học để phát triển đất nước, do vậy SV Việt Nam có xu hướng tìm mọi cách để được ra nước ngoài, thậm chí chỉ học ở những trường trung bình trở xuống.

A.Chân – M.Hương

Tin cùng chuyên mục