Châu Âu ra điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2018, Tổng thống Pháp Emanuel Macron nhấn mạnh, châu Âu sẽ không dỡ bỏ trừng phạt Nga nếu vấn đề Ukraine không tiến triển.
Tổng thống Pháp Macron (thứ 2 từ trái sang) và Tổng thống Nga Putin (thứ 3 từ trái sang) tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2018
Tổng thống Pháp Macron (thứ 2 từ trái sang) và Tổng thống Nga Putin (thứ 3 từ trái sang) tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2018

Tuyên bố này được xem là điều kiện của châu Âu để gỡ nút thắt trong mối quan hệ căng thẳng với Nga trong thời gian qua.

“Gậy ông đập lưng ông”

 Theo nhà lãnh đạo Pháp Macron, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhóm họp vào tháng 7 tới để xem xét việc gia hạn các lệnh trừng phạt vốn được áp đặt với Nga từ năm 2014 do liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, EU đã gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng nữa, theo đó liên minh này sẽ tiếp tục hạn chế đi lại, cũng như đóng băng tài sản đối với 150 cá nhân và 38 công ty của Nga. Cũng từ năm 2014, Nga đã có những biện pháp mạnh nhằm đáp trả đòn trừng phạt kinh tế của EU.

Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau gây thiệt hại khá nặng nề cho nền kinh tế của hai bên. Những số liệu đưa ra trong bản báo cáo của Liên hiệp quốc công bố hồi tháng 9-2017 cho thấy, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, mỗi tháng, nền kinh tế EU thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD.

Điều đáng nói, dù là bên bị trừng phạt, nhưng tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ vào khoảng 55 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng những biện pháp trừng phạt Nga của EU là “gậy ông đập lưng ông” bởi quá trình toàn cầu hóa khiến những biện pháp trừng phạt gây tác hại cho kinh tế của chính phía “ra đòn” trước.

Nội bộ của EU đang chia rẽ về các biện pháp trừng phạt Nga và một số quốc gia như Pháp, Đức, Italia không ủng hộ bởi các công ty ở những nước này đang mong muốn được làm ăn với Nga.

Gần đây nhất,  Mỹ đã cố gắng thúc đẩy các nước đồng minh châu Âu tăng cường những biện pháp trừng phạt Nga - một tiến trình mà Nhà Trắng nói là để “ngăn chặn các động thái của Mátxcơva nhằm phá hoại nền dân chủ của phương Tây thông qua chiến dịch tuyên truyền sai và tấn công mạng”. Tuy nhiên, châu Âu đã phớt lờ.

Đặt chủ quyền lên hàng đầu

Theo Tổng thống Pháp Macron, dù hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề nhưng với Nga, Pháp vẫn là một đối tác tin cậy tại châu Âu. Hai bên đang tích cực xây dựng lộ trình để thúc đẩy phát triển hợp tác song phương. Đáng chú ý, bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg, Pháp và Nga ký 6 hợp đồng đầu tư trực tiếp vào Nga, trị giá khoảng 1 tỷ EUR, tương đương 1,17 tỷ USD con số này do người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp vào Nga Kirill Dmitriev công bố. Trong năm ngoái, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga trong năm qua là 27,9 tỷ USD.

Phát biểu tại phiên toàn thể - sự kiện quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2018, Tổng thống Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt đang ngày càng bị xem như một công cụ chính trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia, buộc các nước khác cũng phải thích nghi và áp đặt các biện pháp đáp trả. Đây được coi là chính sách bảo hộ thương mại mới, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Tổng thống Putin khẳng định giống với mọi quốc gia, Nga ưu tiên lợi ích quốc gia, nhưng Mátxcơva vẫn luôn nhận thức mình là một phần của nền kinh tế thế giới trong “thế giới kết nối”.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga mong muốn xây dựng quan hệ thân thiện với tất cả các nước trên thế giới, nhưng trong trường hợp phải đối mặt với tối hậu thư và sự lựa chọn giữa chủ quyền hay các lệnh cấm, Nga sẽ lựa chọn chủ quyền.

Tin cùng chuyên mục