Cháy lớn gia tăng

Số vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tại TPHCM vẫn ở mức cao, thậm chí có giai đoạn tăng mạnh như trong thời gian qua, khiến người dân sống trong lo âu, thấp thỏm. Đâu là nguyên nhân, giải pháp căn cơ nào để ngăn chặn? 

Thiếu và yếu

Thống kê của Công an TPHCM cho thấy, từ tháng 11-2017 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 17 vụ cháy lớn, 13 vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Các vụ cháy đã làm chết 29 người, bị thương 93 người, thiệt hại tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, qua công tác điều tra cho thấy đa phần vụ cháy lớn xuất phát từ các vi phạm trong sử dụng điện. Xét ở nguyên nhân này có thể thấy ý thức PCCC của một bộ phận người dân còn kém.

“Ý thức PCCC của người dân kém là vì họ chưa nhận thức, đánh giá được hết mối nguy hiểm của cháy nổ. Tồn tại này cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước, bởi nếu cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, hẳn người dân sẽ biết sợ cháy nổ, không vi phạm”, đại diện lãnh đạo Công an TPHCM chỉ ra nguyên nhân.

Ngoài ra, kết quả điều tra nguyên nhân các vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng gần đây cũng cho thấy, trong một số vụ cháy, lực lượng PCCC tại chỗ phát hiện, can thiệp quá chậm, xử lý thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến ngọn lửa lan rộng và tất yếu là cháy lớn xảy ra.

Cháy lớn gia tăng ảnh 1 Hiện trường vụ cháy kho hàng nông sản ở quận Bình Tân, thiêu rụi 4 ô tô cùng nhiều tài sản có giá trị xảy ra vào tháng 4-2019
Tại phiên họp giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC của Thường trực HĐND TPHCM tổ chức mới đây, lãnh đạo nhiều quận huyện nhìn nhận việc đầu tư, nâng chất lực lượng PCCC tại chỗ chưa được quan tâm, thực hiện tốt. Cả thành phố hiện có hơn 41.000 đội PCCC tại chỗ, tuy nhiên hầu hết các đội đều thiếu nhân sự so với yêu cầu thực tế. Trang thiết bị đầu tư cho lực lượng này cũng ít, chủ yếu bình chữa cháy xách tay. Một số nơi việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị PCCC cũng bị bỏ lửng.

Nguồn nước là yếu tố quan trọng trong việc cứu hỏa, nếu thiếu nước, hậu quả để lại từ các vụ cháy sẽ vô cùng lớn. Thực tế đã có nhiều vụ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiếu trụ nước, áp lực nước yếu.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, TPHCM hiện còn thiếu 5.775 trụ nước cứu hỏa. Ngoài ra, trong số hơn 10.000 trụ nước hiện nay, có đến 1.102 trụ bị hư hỏng, hạn chế khả năng lấy nước. Việc trụ nước cứu hỏa bị hư và thiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy, xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra. Khó khăn là vậy, nhưng hiện nay công tác bảo dưỡng, duy tu trụ nước cũ và lắp mới các trụ nước còn thiếu vẫn chưa được triển khai. Nguyên do, theo Phó Giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Thanh Hưởng, chưa có bộ định mức đơn giá dự toán.

Sớm tháo gỡ bất cập

Từ những hạn chế trong PCCC khiến cháy lớn liên tục xảy ra, Công an TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM trong khi chờ cơ quan cấp trên duyệt bộ định mức đơn giá đầu tư mới các trụ nước, thành phố cần ứng kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các trụ nước chữa cháy bị hư hỏng để cải thiện phần nào hiệu quả trong chữa cháy. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan như cấp nước, chính quyền, ngành chức năng các quận huyện cùng phối hợp với Công an TPHCM trong việc quản lý, ngăn chặn hành vi xâm hại, phá hoại trụ nước.

Ngoài ra, thành phố cần có thêm kinh phí hỗ trợ cho lực lượng PCCC tại chỗ, bởi hiện nay đội viên dân phòng không được hỗ trợ kinh phí nên rất khó tập hợp lực lượng này tham gia phối hợp tuyên truyền PCCC, tổ chức chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Đối với trường hợp vi phạm các lỗi quan trọng về PCCC như chưa nghiệm thu công trình chung cư nhưng chủ đầu tư đã đưa dân vào ở, Công an TPHCM kiến nghị UBND TPHCM kiến nghị Trung ương có hình thức xử lý hợp lý, căn cơ, quyết liệt, nâng cao mức phạt. Bởi lẽ, khi chung cư không thực hiện các quy định an toàn cháy nổ, chưa nghiệm thu PCCC nhưng cho dân vào ở là rất nguy hiểm, dễ dẫn đến cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người.

Theo Công an TPHCM, 2 lĩnh vực có nguy cơ cháy cao là nhà ở kết hợp kinh doanh và chung cư. Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh không thuộc quản lý PCCC của cảnh sát PCCC (không được kiểm tra, xử lý vi phạm, nhắc nhở định kỳ), đề nghị chính quyền địa phương rà soát, phân loại và có giải pháp phòng ngừa PCCC hợp lý, hiệu quả.

Đối với chung cư, phần lớn các chung cư cũ (xây dựng trước thời điểm có Luật PCCC, trước năm 1975) không có ban quản lý, ban quản trị, cư dân sống ở đây chủ yếu người lao động, không có điều kiện để duy tu, hoặc lắp mới, hoàn thiện hệ thống PCCC, Công an TPHCM đề nghị các quận huyện có phương án, giải pháp khắc phục ngay thời điểm này, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng cháy chữa cháy

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 584/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Bộ Công an chủ trì thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC, kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC; thường xuyên tổ chức diễn tập phương án chữa cháy có sự phối hợp nhiều lực lượng.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm, mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì thủ trưởng đơn vị, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục