Trực thăng chữa cháy cho TPHCM: cần, nhưng...

Vấn đề dùng trực thăng chữa cháy cho TPHCM một lần nữa lại được nêu lên trong cuộc làm việc giữa Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với Cảnh sát PCCC TPHCM mới đây. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, việc trang bị trực thăng chữa cháy là cần thiết tại một đô thị lớn như TPHCM.
Trực thăng chữa cháy cho TPHCM: cần, nhưng...

Vấn đề dùng trực thăng chữa cháy cho TPHCM một lần nữa lại được nêu lên trong cuộc làm việc giữa Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với Cảnh sát PCCC TPHCM mới đây. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, việc trang bị trực thăng chữa cháy là cần thiết tại một đô thị lớn như TPHCM.

TPHCM là một đô thị đặc biệt của cả nước, việc trang bị hay chưa nên trang bị trực thăng chữa cháy thời điểm này được dư luận không chỉ thành phố mà cả nước quan tâm, theo dõi. Đặc biệt, khi Dự án Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP đến năm 2025 vừa được UBND TP phê duyệt, đã không đề cập đến việc mua trực thăng chữa cháy cho TP. Theo như Đề án này, TP sẽ lắp đặt mới gần 20.000 trụ nước chữa cháy; giai đoạn trước năm 2020 sẽ đầu tư 2 tàu, 258 xe chữa cháy, 61 máy bơm, 6 canô, 2 xuồng cứu nạn, cứu hộ và nhiều trang thiết bị khác… Đến giai đoạn 2020-2025, TP sẽ đầu tư 131 xe chữa cháy các loại, 1 canô chữa cháy và các trang thiết bị cá nhân, trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trực thăng chữa cháy là rất cần thiết cho một đô thị đặc biệt như TPHCM

Phân tích nguyên nhân chưa thể trang bị trực thăng chữa cháy cho TP thời điểm này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết trước đây TP cũng đã dự tính mua trực thăng để chữa cháy nhưng do kinh phí quá lớn nên phải gác lại. Theo như Hội đồng thẩm định dự án đã tính toán thì kinh phí để mua một chiếc trực thăng, bao gồm sân đỗ, điều hành không lưu... lên đến hơn 1.000 tỷ đồng/chiếc. Điều kiện ngân sách của TP hiện nay chưa thể đáp ứng được. Ngoài ra, kinh phí mua phương tiện lớn như vậy phải thuộc thẩm quyền của Thủ tướng quyết định, TP không quyết được.

Giải bài toán này, người đứng đầu Đảng bộ TP cho rằng dù kinh phí khó khăn nhưng việc dùng trực thăng chữa cháy vẫn có hướng ra.

Theo gợi ý của Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng, TP sẽ đặt hàng cho Tổng công ty trực thăng và đặt số tiền theo hằng năm. Nếu trong năm, không có vụ cháy nào xảy ra cần trực thăng chữa cháy thì trả theo một số tiền nhất định. Còn nếu có các vụ cháy mà trực thăng tham gia chữa cháy thì sẽ trả kinh phí tùy theo số vụ việc tham gia. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn mà nhà nước dùng tiền đầu tư thì rất khó. Việc này hoàn toàn có thể dùng phương án xã hội hóa để thực hiện được.

Trước đó khi chia sẻ với báo chí, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP cũng khẳng định việc trang bị trực thăng để phục vụ công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ là rất cần thiết vì loại phương tiện này dễ cứu người trên những tầng cao của các tòa nhà trên 30 tầng mà hiện nay các xe thang chữa cháy khó tiếp cận được. Tuy nhiên, việc trang bị trực thăng cần có lộ trình vì tốn nhiều kinh phí. Tại TPHCM, để đáp ứng nhu cầu chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thì cần phải tăng cường đầu tư các loại phương tiện. Tuy nhiên việc đầu tư các loại trang thiết bị chữa cháy khá tốn kém. Vì thế, theo Đại tá Bửu trước mắt cần tập trung cho các loại phương tiện hiện có để chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, chưa cần phải mua thêm trực thăng chữa cháy. Thực tế, khi thiết kế và thi công các công trình nhà cao tầng, chủ đầu tư cũng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về an toàn phòng cháy chữa cháy như trang bị hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, các loại phương tiện bố trí chữa cháy ở tầng cao, thiết kế thang chữa cháy, thang thoát nạn dành riêng cho lực lượng PCCC. Với các tòa nhà cao tầng, cần có trực thăng để chữa cháy, trong trường hợp cần thiết, TP phối hợp với lực lượng quân đội để thực hiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ bằng máy bay trực thăng quân sự.

Việc TP chưa cần bỏ số tiền quá lớn để trang bị trực thăng chữa cháy cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia. Theo Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PC&CC TP có được trực thăng chữa cháy cũng rất là tốt nhưng giai đoạn khó khăn này thì chưa cần kíp lắm. Bởi không chỉ chi phí mua cao mà đối với trực thăng nếu không khai thác, bảo quản tốt thì cũng rất lãng phí. Muốn khai thác trực thăng chữa cháy hiệu quả thì phải có người biết khai thác, sử dụng, điều khiển, có chỗ đỗ máy bay... để đảm bảo yêu cầu. Đơn cử như ít nhất cũng phải có 2 phi công mà chi phí phải trả là khoảng 20 triệu đồng cho một lần phi công lái chứa không ít!

 TPHCM hiện có 28.000 cơ sở PCCC phải quản lý, 10 ngàn cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, chưa kể khu dân cư. Tính riêng từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố xảy ra 5.299 sự cố cháy nổ và cứu hộ cứu nạn. Tình hình tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ có chiều hướng gia tăng, riêng 11 tháng của năm 2016 đã xảy ra hơn 2.000 sự cố, tăng gần 600 vụ so với năm 2015.

ĐỨC MINH

Tin cùng chuyên mục