Chế tài hành vi không phân loại rác tại nguồn

Mặc dù pháp luật nước ta đã có quy định cụ thể về việc phân loại rác và chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhưng thực tế việc thực thi còn rất nhiều khó khăn.

Nghị định 38/2015/NĐ-CP (về quản lý chất thải và phế liệu) quy định tổ chức, cá nhân phát sinh rác sinh hoạt phải có trách nhiệm phân loại rác tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm: nhóm hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); và nhóm còn lại. Trường hợp không phân loại rác thải theo quy định nêu trên, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường).

Tuy nhiên, kể từ thời điểm 2 nghị định trên có hiệu lực đến nay, rất ít trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính về hành vi không phân loại rác thải tại nguồn. Nguyên nhân là do hiện vẫn chưa có quy định chi tiết, rõ ràng về cách thức phát hiện, xử lý vi phạm. Trong khi đó, các biện pháp tuyên truyền chưa hiệu quả, ý thức của đa số người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao và cơ quan có thẩm quyền cũng chưa thực sự vào cuộc để ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm.

Chính vì vậy, từng địa phương cần nhanh chóng hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách thức phân loại rác thải sinh hoạt, đồng thời có giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Tin cùng chuyên mục