Chế tài với hành vi chạy điểm

Những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao về vụ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang bằng hành vi chạy điểm số lượng lớn. Hành vi cụ thể của việc chạy điểm là gì? Nhà nước ta đã có những chế tài gì với hành vi này?
Hiểu nôm na mặt từ ngữ thì chạy điểm là hành vi của những người có nhu cầu gian lận trong quá trình chấm điểm thi, mong cho kết quả thi đạt được mong muốn của mình mà không dựa vào nội dung thực tế của bài thi.
Trên thực tế, để đáp ứng được các mong muốn trên, người thực hiện hành vi chạy điểm phải là người có khả năng thực hiện việc thay đổi điểm số, hoặc ít nhất là có khả năng thay đổi nội dung bài thi để phù hợp với đáp án chính xác.
Theo đó, có thể nói hành vi mua điểm, chạy điểm là hành vi của cá nhân lợi dụng một số chức vụ quyền hạn nhất định của mình trong quá trình thực hiện công việc liên quan đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên, nhằm làm các hành vi trái pháp luật để trục lợi. Nhà nước ta đã ban hành các quy định rất cụ thể để xử lý các hành vi trên.
Chế tài với hành vi chạy điểm ảnh 1 Vụ gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang đang gây xôn xao dư luận
Ở mức độ xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, việc viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi sẽ bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt tiền, với mức phạt 5 - 10 triệu đồng, tùy vào hành vi và mức độ vi phạm.
Ngoài mức phạt tiền trên, đối với các bài thi bị ảnh hưởng từ hành vi vi phạm sẽ áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi”. 
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, tùy vào từng hành vi thực hiện trên thực tế và mức độ nghiêm trọng của hành vi, mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356, hoặc tội giả mạo trong công tác được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, mức hình phạt tối thiểu cho các tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ 3 năm, đến mức cao nhất của hình phạt tù là 20 năm, tùy hành vi và mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền 10 - 100 triệu đồng.
Về bản chất, cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm nói trên thường là những cán bộ công chức,  là những người có chức vụ, quyền hạn cụ thể do Nhà nước giao phó.
Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra chế tài trực tiếp cho cá nhân thực hiện hành vi vi phạm, Nhà nước ta còn quy định các chế tài khác áp dụng với người trực tiếp quản lý của các cá nhân này.
Pháp luật quy định hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” là một trong các hành vi tham nhũng (khoản 4, Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng).
Vì vậy, căn cứ Nghị định 107/2006 quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, thì tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc tham nhũng mà những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức (Điều 7 Nghị định 107).

Tin cùng chuyên mục