Chen chân vào thị trường nhượng quyền: Thương hiệu Việt còn lúng túng

Với dân số đông, mức chi tiêu cho các dịch vụ ngày càng tăng, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng của nhượng quyền thương hiệu. 
Tuy nhiên, xu hướng chung sẽ tập trung vào việc mua nhượng quyền quốc tế đưa vào Việt Nam kinh doanh. Trong khi đó, các thương hiệu Việt phát triển tại thị trường nội địa và phát triển ra thị trường quốc tế vẫn còn khiêm tốn và lúng túng khi chen chân vào thị trường nhượng quyền.
Điểm nóng mua bán và sáp nhập
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, trong thời gian tới, thị trường nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam sẽ ngày càng sôi động; tuy nhiên, tập trung phần lớn vẫn là nhượng quyền của những thương hiệu quốc tế và khu vực, bởi sức hút của thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân. Trong khi đó, về khả năng xây dựng thương hiệu nhượng quyền “Made in Vietnam” hay các mô hình kinh doanh do doanh nghiệp Việt Nam sở hữu còn rất hạn chế và chỉ mới ở giai đoạn khởi nghiệp, cũng như manh nha.
Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư quốc tế và khu vực do có tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan và nhiều chính sách thu hút đầu tư hiệu quả. Đơn cử như hoạt động kinh doanh trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn... tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng tích cực nên được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mạnh tay đổ vốn thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong những năm gần đây.
Chen chân vào thị trường nhượng quyền: Thương hiệu Việt còn lúng túng ảnh 1 Kumho Asiana - thương vụ M&A lớn trong năm 2016. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo Tập đoàn Dịch vụ khách sạn JLL, trong năm 2016, có hàng loạt thương vụ M&A đáng chú ý như Tập đoàn Mapletree mua lại tổ hợp Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Hàn Quốc Kumho Industrial và Asiana Airlines với tổng giá trị nhượng quyền khoảng 215 triệu USD. Còn Công ty Low Heng Huat chuyển nhượng khách sạn Duxton Hotel Saigon cho Công ty New Life RE với giá 49,4 triệu USD... Cũng theo dự báo của Tập đoàn Dịch vụ khách sạn JLL, trong năm 2017, thị trường nhượng quyền thương hiệu trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam sẽ còn nhiều thương vụ M&A quy mô lớn.
Còn ở lĩnh vực chuỗi ẩm thực tại Việt Nam cũng được đánh giá vẫn còn tiềm năng rất lớn và rộng mở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến ngành này sẽ đạt tổng giá trị tăng trưởng chuỗi ẩm thực từ hơn 600 triệu USD (như hiện nay) lên khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, nhượng quyền là hình thức phát triển thương hiệu phổ biến trong ngành ẩm thực, do đó hầu hết những thương hiệu ẩm thực nổi tiếng trên thế giới đều thông qua hình thức nhượng quyền như Lotteria, Starbucks, Mc Donald’s...
Bên cạnh các ngành đang tạo nên sức hút lớn, một số ngành nổi bật trong thị trường nhượng quyền thương hiệu cũng tiếp tục phát triển không ngừng như ngành bán lẻ, chủ yếu tập trung vào khu vực siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, đại siêu thị, trung tâm thương mại... Riêng ngành dịch vụ, thị trường nhượng quyền tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực giáo dục cho trẻ em, tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ bất động sản, dịch vụ y tế... Trong đó, ngành bán lẻ được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng 25%/năm, với sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế và khu vực ASEAN; ngành ẩm thực sẽ đạt mức tăng trưởng chuỗi khoảng 15%/năm...
Khởi nghiệp thương hiệu Việt
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong 10 năm trở lại đây đã có khoảng 200 thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam, do đó dự đoán Việt Nam sẽ giữ vững ưu thế là thị trường tiềm năng của lĩnh vực nhượng quyền so với các nước trong khu vực. Mặt khác, theo các chuyên gia nhượng quyền thương hiệu là mô hình kinh doanh dễ phát triển, nhưng quá trình thực hiện cũng gặp không ít rủi ro, nên muốn thành công doanh nghiệp cần có chiến lược và hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong xu hướng chung của thị trường nhượng quyền, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu mạnh dạn khởi nghiệp phát triển các thương hiệu hướng đến mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Ghi nhận thực tế, tại Việt Nam xuất hiện những thương hiệu nhận được sự quan tâm và đề nghị nhượng quyền thương hiệu. Nhưng để triển khai các thương vụ M&A và phát triển bền vững thương hiệu Việt, thì việc xây dựng nội lực và hệ thống quản lý hiệu quả là điều tiên quyết mà các doanh nghiệp phải chú trọng.
Khởi nghiệp xây dựng thương hiệu nhượng quyền từ năm 2013, đến nay bà Lê Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần IQ Plus, đã là chủ đại diện thương hiệu Viva Star với gần 70 cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Viva Star. Trong giai đoạn đầu thực hiện các thương vụ M&A, Viva Star gặp khó khăn do đối tác nhận nhượng quyền thương hiệu này can thiệp quá sâu vào hệ thống điều hành, quản lý. Bên cạnh đó, các đối tác nhận nhượng quyền thương hiệu Viva Star còn muốn tham gia vào công tác thiết kế và điều này có khả năng gây thay đổi nhận diện thương hiệu. 
Còn ông Phạm Ngọc Liêm, chủ sở hữu thương hiệu LeeAndTee, cho rằng: “Doanh nghiệp tiến hành các thương vụ M&A với phương thức miễn chi phí cho những cửa hàng đầu tiên, nhưng kể từ cửa hàng thứ 15 trở đi bắt đầu thu phí duy trì quảng bá thương hiệu, marketing, quản trị... thì bị các đối tác nhận nhượng quyền phản ứng. Từ đó rút ra kinh nghiệm, nguyên nhân phát sinh những vấn đề này là do doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị tốt; đến khi thực hiện cải tổ lại công tác quản lý, điều hành hệ thống thương hiệu thì các đối tác nhượng quyền chưa sẵn sàng”. 
Trước những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi xây dựng và nhượng quyền thương hiệu Việt, Luật sư Hồ Hữu Hoành, Công ty Luật Viet Franchise, cho biết: “Để hạn chế rủi ro trong mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, các doanh nghiệp Việt không nên tự soạn hợp đồng nhượng quyền, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có những điều khoản phòng tránh rủi ro với những quy định chi tiết, đảm bảo quyền lợi cho các bên và tạo điều kiện thuận lợi cho thương hiệu nhượng quyền phát triển vững mạnh”. Hiện nay, thị trường nhượng quyền phát triển theo 3 xu hướng gồm: cá nhân, cộng đồng và địa phương.
Theo các chuyên gia, nhượng quyền là hình thức phát triển hiệu quả nhưng cũng rủi ro cho thương hiệu nếu nền tảng nhượng quyền chưa bền vững. Vì vậy, muốn nhượng quyền thương hiệu bền vững, doanh nghiệp cần hiểu rằng quan trọng nhất trong nhượng quyền là quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên đối tác. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần nắm rõ các giai đoạn phát triển kinh doanh và công cụ hỗ trợ cho từng giai đoạn nhượng quyền thương hiệu.

Tin cùng chuyên mục