Chỉ còn một loại văn bằng đại học: Nên hay không?

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT cho biết trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi, hình thức đào tạo chính quy hay vừa làm vừa học (tại chức) sẽ không được ghi lên văn bằng như hiện nay. 
Quy định dự kiến này đang thu hút khá nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học cũng như người học. Trong đó, dù có ý kiến ủng hộ nhưng kèm theo đó là những quan ngại, vì thực tế chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng của hệ tại chức còn quá nhiều bất cập.  
Phải thận trọng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, Bộ GD-ĐT quy định chỉ cấp một loại văn bằng dù chính quy hay tại chức.
Lý giải điều này, bà Phụng cho rằng thực tế nhiều nước phát triển không phân biệt các loại văn bằng mà chú trọng vào quản lý để đảm bảo chất lượng. Nếu xảy ra bất công trong việc cấp bằng, trước tiên nhà trường sẽ bị chính sinh viên phản ứng, đấu tranh, vì đã để chất lượng văn bằng của họ lẫn lộn.
Tới đây, Bộ GD-ĐT cũng sẽ đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và việc cấp bằng cho chương trình đó. Với quy định này, bộ hy vọng các cơ sở giáo dục ĐH sẽ thêm trách nhiệm, cẩn trọng khi cấp bằng, bởi đây là lời khẳng định về chất lượng đào tạo của nhà trường với xã hội.
Chỉ còn một loại văn bằng đại học: Nên hay không? ảnh 1 Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm nhận bằng tốt nghiệp năm 2017
Lãnh đạo một trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM nhận định: “Việc cấp một loại văn bằng là chúng ta đang học theo thế giới. Tuy nhiên, với điều kiện giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay là chưa phù hợp. Tuy trường nào cũng cho rằng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra giữa chính quy và tại chức là như nhau, nhưng thực tế điều kiện triển khai của hai hình thức đào tạo này quá chênh lệch. Đó là chưa nói đến chuyện, hiện nay nhiều trường ĐH xem hệ tại chức là “nồi cơm” nên dễ dãi ở cả 3 bước: đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra. Do đó, việc tức tốc bắt chước một cách cơ học với thế giới mà không đảm bảo sự công bằng thì sẽ gây thiệt thòi cho người học”. 
Trưởng phòng đào tạo một trường thuộc nhóm kỹ thuật băn khoăn: Với chất lượng đào tạo hiện nay của ĐH Việt Nam, nếu bằng cấp không có sự phân loại giữa hai hệ đào tạo thì là kiểu đánh đồng đáng tiếc, trong đó tiếc nhất là hệ chính quy, mà cụ thể là những người học hành nghiêm chỉnh.
Để dẫn chứng, vị trưởng phòng này cho biết chính trường của ông cũng phải “dễ dãi” với chương trình đào tạo hệ tại chức thì mới có người học, mới có nguồn thu. Nếu siết quá là người học bỏ chạy sang trường khác hết. 
Cần có bước chuẩn bị 
Nhìn một cách đa chiều, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, chia sẻ: “Đây là việc mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Sở dĩ có 2 luồng quan điểm trái ngược là vì chưa có cùng hệ quy chiếu.
Trường phái ủng hộ là do họ đã “đi trước” thực tế của Việt Nam. Các nước đã làm vì chỉ có một chuẩn thôi. Còn trường phái phản bác, tôi nghĩ là họ đang tập trung vào thực tiễn giáo dục nước ta và nhìn vào đánh giá khác nhau của đơn vị sử dụng lao động. Thậm chí, có địa phương không tuyển hệ tại chức”.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, các trường sẽ cân nhắc sự khác biệt trong xếp loại. Khi đó, việc phân hạng tốt nghiệp sẽ là thước đo giá trị của tấm bằng ĐH.
Thực tế có nhiều học viên tại chức nhưng học rất giỏi. Như vậy, dù học chính quy hay tại chức, người học sẽ nhận được tấm bằng đúng với năng lực của họ.
Đây chính là sự phân biệt trình độ và sự khác biệt. Thứ nữa, khi thực thi quy định này, các trường sẽ phải quan tâm đến chất lượng “sản phẩm” của mình tạo ra, sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Một trường ĐH có chất lượng thật sự thì chỉ cần một loại văn bằng. 
Một vị nguyên là lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng thực tế chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay nói chung và hệ đào tạo tại chức nói riêng chưa thể tạo độ tin cậy cao cho người sử dụng lao động cũng như xã hội. Bản thân người học và các trường biết rõ về điều này hơn ai hết.
Do đó, để áp dụng quy định này thì vấn đề cốt yếu là các chương trình đào tạo phải được kiểm định, đánh giá chất lượng và công khai. Kèm theo đó phải có biện pháp chế tài với những cơ sở đào tạo gian dối, không có chất lượng. Nếu chưa có bước chuẩn bị tốt mà áp dụng ngay thì vô tình sẽ làm cho chất lượng giáo dục càng thêm mù mờ, không công bằng với người học.   
Mặt khác, nếu thực thi quy định này thì chắc chắn Bộ GD-ĐT và các trường sẽ bị vướng rất nhiều. Đơn cử như tính riêng quy mô đào tạo, tỷ lệ giảng viên/sinh viên…, hiện nay bộ đang áp dụng cho sinh viên chính quy.
Nếu quy về một loại văn bằng thì đối với người học cũng không phân biệt là hệ chính quy hay tại chức. Và khi đó, khi gom 2 thành 1 thì chắc chắn không trường nào đủ chuẩn về tỷ lệ giảng viên/sinh viên, quy mô đào tạo sẽ vượt năng lực đào tạo.
“Quy định này của Bộ GD-ĐT phù hợp với quốc tế, nhưng chưa phù hợp với tình hình của Việt Nam. Chất lượng đào tạo hiện nay giữa hai hệ không thể giống nhau, bởi lẽ điều kiện giảng dạy khác nhau, nên chắc chắn chất lượng không thể bằng nhau được”.
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ

Tin cùng chuyên mục