Chỉ số PCI 2012: Chất lượng điều hành giảm mạnh

Ngày 14-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012. PCI 2012 năm thứ 8 phản ánh cảm nhận của 8.053 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh năm vừa qua tại 63 tỉnh, TP trên cả nước.
Chỉ số PCI 2012: Chất lượng điều hành giảm mạnh

Ngày 14-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012. PCI 2012 năm thứ 8 phản ánh cảm nhận của 8.053 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh năm vừa qua tại 63 tỉnh, TP trên cả nước.

  • Những bất ngờ từ bảng xếp hạng

Theo nhóm nghiên cứu, bảng xếp hạng PCI năm nay có không ít bất ngờ, với vị trí số 1 năm nay là Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang và Lào Cai - tỉnh đứng đầu năm 2011. Một lần nữa Long An (thứ 16) và Bắc Ninh (thứ 10) đều nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước. Đà Nẵng và Bình Dương một thời luôn nằm ở những địa phương dẫn đầu nay xếp hạng lần lượt thứ 12 và 19.

Tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng tiếp tục trong năm 2012 và đáng lo ngại là sự lạc quan của doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể những năm gần đây. đặc biệt năm nay ở mức thấp kỷ lục 33% ở cả khối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong khi năm 2006 - trước khi Việt Nam gia nhập WTO là 76%. Những lĩnh vực doanh nghiệp cho rằng cần có sự cải thiện và bị doanh nghiệp đánh giá kém hơn so với năm 2011 như: rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh và khả năng giá đền bù đất đai của chính quyền.

Trong PCI 2012, hai đầu tàu kinh tế của cả nước: TPHCM và Hà Nội mang lại những hình ảnh trái ngược. Trong khi, TPHCM từ thứ hạng 20 năm 2011 đã tăng lên hạng 13 của năm 2012 thì Hà Nội từ vị trí 36 tụt xuống 51. Xét về các chỉ số thành phần, TPHCM có sự cải thiện về chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền địa phương còn lại các chỉ tiêu khác như tiếp cận đất đai hay tính minh bạch, đào tạo lao động vẫn tương đương năm 2011.

So với năm trước đó, chỉ tiêu về thiết chế pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức còn cao hơn. Còn xét về tổng điểm PCI, thậm chí năm 2011 (khi TPHCM xếp thứ 20) còn cao hơn điểm PCI của năm 2012 (61,93 điểm so với 61,19 điểm). Với Hà Nội, trong 9 chỉ số thành phần PCI, duy nhất có sự cải thiện ở đào tạo lao động so với năm trước còn lại một số chỉ số khác đều tương đương, thậm chí sụt giảm mạnh. Điển hình là thiết chế pháp lý chỉ còn có 2,7 điểm (thang điểm 10), tính năng động của chính quyền địa phương có 2,32 điểm và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 4,69 điểm, tiếp cận đất đai 4,2 điểm.

  • Doanh nghiệp bi quan, chính sách ít cải thiện

Nhìn chung các tỉnh trung vị đã cải thiện ở một số lĩnh vực như rút ngắn thời gian chờ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và cấp phép; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giảm bớt chi phí không chính thức khi giải quyết các thủ tục hành chính. Khi so sánh các chỉ số thành phần qua nhiều năm, theo nhóm nghiên cứu, cải thiện lớn nhất là ở lĩnh vực chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp mới, đặc biệt là về thời gian thực tế xin cấp mới đăng ký kinh doanh hiện giảm xuống 10 ngày ở các tỉnh trung vị và 7 ngày ở một số tỉnh. Lĩnh vực chi phí thời gian để thực hiện quy định cũng có những dấu hiệu tích cực: thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra thực hiện thủ tục hành chính giảm còn 13,8% từ mức cao 22,9% năm 2008.

Sản xuất mặt hàng cao su kỹ thuật cao xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất mặt hàng cao su kỹ thuật cao xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Báo cáo PCI cũng đưa ra một bức tranh ảm đạm về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đó là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sụt giảm chưa từng thấy. Năm nay, chỉ 6,5% doanh nghiệp ở tỉnh trung vị cho biết đã tăng quy mô đầu tư, 6,1% tuyển thêm lao động, chưa đến 60% báo lãi trong khi 21% báo lỗ. Đáng lo ngại hơn, cả quy mô đầu tư và lao động của các doanh nghiệp tham gia điều tra PCI đều đã sụt giảm trong vài năm gần đây. Rõ ràng không chỉ có tốc độ tăng trưởng suy giảm mà mức độ tuyển dụng lao động cũng như nguồn vốn của khu vực tư nhân cũng bị giảm sút.

Những sụt giảm đáng lo ngại là ở lĩnh vực tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý. Năm 2012, các doanh nghiệp ở tỉnh trung vị có cái nhìn bi quan hơn về những lĩnh vực trên so với thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Một điểm khiến khối doanh nghiệp tư nhân cảm thấy lo ngại là sự bất bình đẳng trong ưu đãi. Theo điều tra, hiệu quả kinh doanh kém và cảm nhận tiêu cực về chất lượng điều hành thường được giải thích theo một cách khác: vai trò của khu vực nhà nước trong việc lấn át hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Giả thuyết này đã được nói đến trên một số phương tiện thông tin đại chúng và nhận được không ít sự đồng tình do những yếu kém của các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin và Vinalines.

 Theo các doanh nghiệp tham gia điều tra, doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu đãi khá nhiều, khoảng 1/3 doanh nghiệp, điều này tác động đến hiệu quả kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân ở một số tỉnh đã nêu quan ngại về việc doanh nghiệp nước ngoài được đối xử đặc biệt trong lĩnh vực tiếp cận đất đai và ưu đãi thuế.

Cũng theo báo cáo, tình trạng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thực hiện thủ tục hay còn gọi là “tham nhũng vặt” ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong năm qua. Tuy vẫn còn 50% số doanh nghiệp ở tỉnh trung vị cho rằng chi phí không chính thức là phổ biến - giảm đi nhiều so với con số 70% năm 2006 và 2007. Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí không chính thức/doanh thu cho những chi phí như vậy cũng đã giảm đi một nửa: 13% năm 2006 xuống còn 6,5% năm 2012.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tham nhũng đang dần thay đổi cách thức. Mặc dù tần suất chi trả chi phí không chính thức đã giảm xuống song quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước lại gia tăng. 

QUANG MINH

Tin cùng chuyên mục