Chỉ vì sống ảo

Câu chuyện một người mẫu ảnh bị quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) tố chụp ảnh quá nhiều và thay liên tục 8 bộ đồ, khiến mạng xã hội ầm ĩ mấy ngày qua.

Cũng như những ồn ào khác trên mạng xã hội, sóng sau xô sóng trước, câu chuyện lùm xùm rồi cũng sẽ chìm xuống. Nhưng câu hỏi từ bao giờ mà chuyện chụp hình ở quán cà phê, chốn công cộng trở thành chủ đề gây tranh cãi, khiến mỗi người chúng ta không khỏi suy ngẫm, nhất là những bạn trẻ.

Trong thời đại lên ngôi của hình ảnh trên mạng xã hội, việc check-in ở những thắng cảnh đẹp, quán cà phê xinh xắn đã trở thành một thói quen “thời thượng” của nhiều người trẻ hiện nay.

Nhiều quán cà phê cũng bắt đầu những chiến dịch PR, với những lời giới thiệu đầy mời gọi như “quán đẹp không góc chết”; “góc sống ảo thần thánh”; “đến quán một lần, có ảnh đăng cả năm”… được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Quán cà phê với đồ uống, bánh ngọt hay điểm tâm chất lượng là chuyện quá bình thường. Quán muốn hút khách, phải đáp ứng tiêu chí: chỉ cần đến là có ảnh đẹp. Không gian tinh tế, mọi vật dụng trang trí phải có gu thẩm mỹ riêng, và càng “chanh sả” thì càng thu hút đông khách.

Một mét vuông, 4-5 bạn trẻ thi nhau tạo dáng, hay chưa vào được bên trong thì đã kẹt cứng ngay cổng vào vì nhiều bạn đang check-in… là chuyện thường thấy ở nhiều quán cà phê hiện nay.

Thời buổi này, việc bị làm phiền bởi những người đang chụp ảnh ở quán cà phê, hay chốn công cộng dường như đã trở thành chuyện đương nhiên.

Không ít bạn trẻ, khi vào quán, gọi một ly nước và mặc nhiên cho phép mình sử dụng hết mọi không gian chung của quán. Chụp vài tấm ảnh vẫn không thỏa, mà phải là cả bộ ảnh, mọi ngóc ngách trong quán đều phải “khai quật” hết, thậm chí là cười nói, đi lại ảnh hưởng không ít đến những khách hàng khác. 

Tại một số thắng cảnh, chuyện này cũng nhan nhản đến độ Dốc Nhà Bò (Đà Lạt) đã phải cấm du khách quay phim, chụp hình. Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực này, khách du lịch chen lấn nhau chụp hình, không chỉ cản trở lối đi mà còn gây ra những tai nạn không đáng có cho người qua lại.

Một quán cà phê nằm trong ngõ trên phố Lý Quốc Sư ở Hà Nội, cũng trong tình trạng tương tự, quán phải xóa dòng chữ “Hanoi” màu xanh lam nổi bật trên bức tường xám, vì lượng khách đến check-in quá tải, ảnh hưởng cuộc sống của người dân trong con ngõ nhỏ.

Chuyện những góc nhỏ nghệ thuật, hay vài điểm đến thú vị bị xóa bỏ hoặc ngừng đón khách, như nhắc nhở: “Muốn có ảnh đẹp, trước hết phải biết cư xử đẹp; chụp ảnh lịch sự, chừng mực và cư xử văn minh ở những nơi công cộng”. Nếu làm được vậy, có lẽ, người dân khu vực Dốc Nhà Bò hay ngõ nhỏ ở Hà Nội, cũng sẽ chẳng khó chịu hay hẹp hòi gì vài ba tấm hình lưu niệm.

Tin cùng chuyên mục