Chia sẻ đảm bảo an sinh xã hội hơn là thu - chi đơn thuần

Làm thế nào để đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Lao động tự do, nông dân, nội trợ… sẽ tham gia BHXH như thế nào? 
Tăng tỷ lệ bao phủ BHXH ở Việt Nam, chủ yếu là tăng số người ở khu vực lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tăng tỷ lệ bao phủ BHXH ở Việt Nam, chủ yếu là tăng số người ở khu vực lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: VIỆT DŨNG

Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Văn Thu Hà, Quản lý Dự án Quyền lao động, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam về các vấn đề liên quan.

Để người dân giám sát quỹ BHXH

- PHÓNG VIÊN: Với tinh thần nỗ lực cải cách BHXH lần này, theo bà đâu là những vấn đề cốt yếu để hiện thực?

* Bà VĂN THU HÀ: Mục tiêu của nỗ lực cải cách được nêu ở Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, có 2 điểm quan trọng: “Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.

Điều cốt yếu mà các cơ quan liên quan cần đảm bảo để hiện thực hóa cải cách BHXH thành công là cần có chương trình cải cách mang tính đột phá và nội dung cụ thể đối với từng điểm mục tiêu này.

Các cơ chế BHXH dựa trên đóng - hưởng, về bản chất, sẽ tạo ra bất bình đẳng nhiều hơn giữa các nhóm công dân khác nhau. Chỉ những người lao động có hợp đồng lao động ít nhất một tháng mới được tiếp cận các chế độ an sinh xã hội trong hệ thống BHXH bắt buộc. Những người lao động khác như lao động phi chính thức, lao động gia đình và chăm sóc, không hưởng lương, nông dân nhỏ, trong đó đa số là phụ nữ thì không được tiếp cận tới. Mặt khác, cơ chế đóng - hưởng khi cố gắng đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa những người tham gia (đóng nhiều hơn hưởng nhiều hơn) cũng không phù hợp với nguyên tắc chia sẻ và bền vững. 

Để đảm bảo quyền an sinh xã hội của người lao động, chương trình cải cách mang tính đột phá về BHXH cần giải quyết mối quan hệ giữa nguyên tắc đóng - hưởng với nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các cơ chế linh hoạt, đa dạng, đa tầng không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng. Nhằm đạt được mục tiêu thứ hai, cần cơ chế đảm bảo minh bạch công khai về quản lý thu chi quỹ BHXH, có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người lao động. Một biện pháp tốt là các cấp cần công bố công khai và cập nhật thường xuyên thông tin về quỹ BHXH và tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát thực hiện quỹ BHXH.

- Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2021 có 35% lực lượng lao động tham gia BHXH. Tỷ lệ này đến năm 2030 là 60%. Làm cách nào Việt Nam có thể mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân?

* Nhóm lao động chưa tham gia BHXH chủ yếu là lao động thời vụ, lao động phi chính thức, lao động gia đình, nông dân... Đa số những người lao động có mức sống trung bình trở xuống làm việc thời vụ, nông nghiệp hay trong lĩnh vực phi chính thức chỉ được tiếp cận tới cơ chế BHXH tự nguyện - một cơ chế hoặc thiếu hấp dẫn (các gói phúc lợi vừa ít vừa không rõ ràng), hoặc khó tiếp cận. 

BHXH toàn dân chỉ có thể thực hiện được khi Nhà nước khắc phục được điểm yếu về bất bình đẳng, không công bằng của cơ chế đóng - hưởng hiện nay, bằng cách hoặc chuyển sang cơ chế thu chi gián tiếp qua thuế, hoặc bổ sung các gói an sinh xã hội thông qua trợ giúp xã hội.

Cần xóa bỏ sự khác biệt giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện

- Theo bà, sức hấp dẫn của BHXH cần thể hiện ở những điểm nào nhằm thu hút được những đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức, nông dân, nội trợ… tham gia BHXH?

* Cơ chế BHXH tự nguyện hiện nay cho những người lao động ở khu vực phi chính thức, nông dân, nội trợ… có nhiều bất cập, thiếu công bằng và bình đẳng. Họ phải đóng góp nhiều hơn và hưởng ít hơn so với lao động chính thức - những người lao động được hưởng cơ chế BHXH bắt buộc. Hơn nữa, với một số đông lao động phi chính thức, nông dân, nội trợ, việc đóng góp là quá khả năng của họ. Cơ chế BHXH tự nguyện hiện tại không hấp dẫn, ít gói an sinh, đồng thời quyền lợi cũng không rõ ràng. Họ chỉ được hưởng 2 gói dài hạn là tử tuất và hưu trí, trong khi các gói ngắn hạn rất quan trọng với họ là chăm sóc y tế, thai sản và tai nạn bệnh nghề nghiệp thì họ không được hưởng.

Cả nước chỉ có khoảng 11,6 triệu lao động có việc làm chính thức, tức là có tới hơn 79% lực lượng lao động chỉ được tiếp cận tới BHXH tự nguyện. Số lượng lao động phi chính thức tăng hơn 14% trong giai đoạn 2014 - 2016 và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Điều đó có nghĩa là tăng tỷ lệ bao phủ của BHXH ở Việt Nam, trên thực tế sẽ chủ yếu là tăng số người tham gia BHXH tự nguyện. Để tăng sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện, Nhà nước với tư cách người tái phân phối lại của cải xã hội, cần có chính sách bổ sung để đảm bảo người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các gói an sinh xã hội công bằng và bình đẳng với người lao động tham gia BHXH bắt buộc.

- Số lượng người “ra” (hưởng chế độ BHXH một lần, ngừng tham gia BHXH) hàng năm gần bằng với số lượng người tham gia mới BHXH. Thực trạng này nói lên điều gì, thưa bà?

* Câu hỏi là vì sao nhiều người lao động muốn hưởng chế độ BHXH một lần và làm thế nào để người lao động yên tâm tham gia BHXH trong khi số lao động phi chính thức đang tăng lên? Người lao động rất dễ bị đẩy ra khu vực phi chính thức. Và một khi tham gia vào khu vực phi chính thức, họ sẽ không còn được tham gia BHXH bắt buộc, mà phải tham gia cơ chế BHXH tự nguyện với ít gói phúc lợi hơn hẳn. Điều đó góp phần làm cho người lao động không yên tâm tiếp tục tham gia BHXH. Để cải thiện tình hình, Nhà nước cần xóa bỏ sự khác biệt về đóng - hưởng trong các gói BHXH bắt buộc và tự nguyện, hoặc cung cấp các dịch vụ công miễn phí phổ cập và một sàn an sinh xã hội phổ quát.

- Hiện nay, tỷ lệ hưởng BHXH của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới (mức cao nhất lên đến 75% mức đóng). Tuy nhiên, nhiều người lao động về hưu vẫn trở thành người nghèo (theo chuẩn nghèo của TPHCM), lương hưu không đủ sống. Có thể khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa bà?

* Quản lý an sinh xã hội dựa trên cơ chế đóng - hưởng thường rất đắt đỏ, đặc biệt là việc quản lý tuân thủ của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp BHXH cho tất cả hợp đồng lao động từ một tháng trở lên. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp tìm nhiều cách để tránh nghĩa vụ, kể cả không khai báo số lao động thực tế mà chỉ khai báo số lao động khung mà Nhà nước không quản lý được.

Thêm vào đó, chính sách hiện tại đang cho phép người lao động và chủ sử dụng lao động thỏa thuận đưa nghĩa vụ đóng góp BHXH của doanh nghiệp vào lương để người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Điều đó, một mặt làm thất thu quỹ BHXH, một mặt làm mất đi quyền lợi an sinh xã hội của người lao động. Thực trạng đó đòi hỏi Nhà nước cần có sáng kiến đột phá trong đảm bảo nghĩa vụ đóng góp BHXH của doanh nghiệp, có thể là hình thức dưới dạng thuế, như sáng kiến của Ấn Độ nêu ở trên.

Mặt khác, lương người lao động hiện đang ở mức thấp, cần cải tiến cơ chế BHXH theo hướng chia sẻ và đảm bảo sàn an sinh xã hội, hơn là hưởng trên cơ sở đóng như hiện nay. Ngoài ra, cơ chế BHXH cần được bổ sung bằng chính sách tăng lương tối thiểu đến mức lương đủ sống và các cơ chế trợ giúp xã hội khác.

Tin cùng chuyên mục