Chia sẻ kinh nghiệm chống lại sự tấn công mạng ngày càng tinh vi

Sáng nay, 4-11, tại Hà Nội đã họp báo giới  thiệu “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2015” do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT. Sự kiện này sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 19-11 và tại Hà Nội ngày 1-12, với chủ đề: “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại”.
Chia sẻ kinh nghiệm chống lại sự tấn công mạng ngày càng tinh vi

(SGGPO).- Sáng nay, 4-11, tại Hà Nội đã họp báo giới  thiệu “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2015” do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT. Sự kiện này sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 19-11 và tại Hà Nội ngày 1-12, với chủ đề: “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại”.

Đây là sự kiện được chờ đợi khi tập trung vào các vấn đề nóng về an toàn, an ninh thông tin trên thế giới và Việt Nam trước bối cảnh hiện diện nhiều cuộc tấn công có chủ đích, có tính triệt hạ nhằm vào các công ty lớn trên thế giới như hãng Sony Pictures (Mỹ), mạng lưới bán hàng Home Depot và Target (Mỹ), hãng bảo hiểm Anthem (Mỹ)…

Tại Việt Nam, thông tin mới nhất từ VNCERT cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị này đã phát hiện hơn 3.296.200 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc và bị điều khiển bởi các máy chủ bên ngoài lãnh thổ; 18.085 website bị nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính trong mạng; 5.368 website bị tấn công và cài mã lừa đảo phishing; 7.421 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface).

Tại sự kiện, VNISA sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng an toàn thông tin tại Việt Nam trên cơ sở điều tra với hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có 40% đơn vị trong khu vực nhà nước và công bố Chỉ số An toàn thông tin quốc gia 2015. Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch VNISA cho biết, cuộc điều tra được tiến hành với hơn 600 doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước, trong đó có 40% tổ chức thuộc khu vực nhà nước, cố gắng vẽ nên bức tranh chung về tình hình ATTT tại thời điểm này. Tại các sự kiện này, những tập đoàn, công ty lớn trên thế giới như Google, Microsoft, CISCO, IBM, FireEye, CheckPoint… cũng sẽ chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp và công cụ trong việc bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin trọng yếu. Đáng chú ý, báo cáo của Google sẽ chia sẻ về cách tiếp cận trước nguy cơ tấn công có chủ đích; FireEye phân tích sự khác biệt giữa kế hoạch phản ứng chống tấn công thường trực nâng cao với chống tấn công bằng mã độc. Bên cạnh phiên thảo luận chính, sẽ có hội thảo chuyên đề về tấn công phá hoại hệ thống thông tin trọng yếu và hệ thống thông tin của doanh nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức cũng tổ chức Cuộc thi quốc gia Sinh viên với an toàn thông tin với sự tham dự của 42 đội thi đến từ 25 trường đại học có khoa CNTT trên cả nước; tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin cho cán bộ quản trị hệ thống thông tin; Điều tra thực trạng về ATTT trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng điều tra là các Sở TT-TT của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các trung tâm thông tin của các bộ, ngành và hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT.

Tin và ảnh: TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục