Chia sẻ sách thời công nghệ số

Từ bike sharing (chia sẻ xe đạp) đến car sharing  (chia sẻ ô tô), nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đã bước sang lĩnh vực văn hóa là chia sẻ sách.

 

Hướng dẫn sử dụng dịch vụ chia sẻ sách tại một nhà sách ở Trung Quốc
Hướng dẫn sử dụng dịch vụ chia sẻ sách tại một nhà sách ở Trung Quốc
Dựa trên Alipay - nền tảng thanh toán trực tuyến do Alibaba sáng lập, những người yêu sách có thể mượn sách tại hàng loạt kệ sách đặt tại 5 thành phố của Trung Quốc. Chính thức ra mắt lần đầu tiên từ tháng 7 năm nay, tại nhà sách Tân Hoa chi nhánh Tam Hiếu Khẩu, thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, dịch vụ chia sẻ sách đã nhận được sự quan tâm lớn của nhiều độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ ưa thích các ứng dụng trên thiết bị thông minh ở đất nước tỷ dân này. Bạn chỉ cần tải ứng dụng chia sẻ sách về thiết bị thông minh và trả khoản tiền 99 NDT (15 USD) gọi là tiền đặt cọc, sau đó là có thể mượn 2 cuốn sách có tổng giá trị không vượt quá 150 NDT bằng cách quét mã QR. Nếu trả lại sách đã mượn trong vòng 10 ngày, bạn sẽ được mượn sách miễn phí, còn nếu mượn sách quá hạn, cứ 1 ngày quá hạn sẽ bị trừ 1 NDT. 

Để thu hút thêm khách hàng, nhà sách Tân Hoa còn đưa ra hình thức mượn sách rất hấp dẫn gọi là “phần thưởng của độc giả”. Phần thưởng này dành cho những khách hàng trả sách đúng thời hạn, cứ 1 lần đúng hạn khách hàng lại được tặng thêm 1 NDT vào tài khoản đăng ký. Nếu khách hàng đọc 12 cuốn sách trong vòng 3 tháng, khách hàng sẽ được hoàn trả 8% tổng số tiền đã đặt cọc trong dịch vụ. Có lẽ vì chính hình thức phần thưởng hấp dẫn này mà số lượng sách tham gia dịch vụ chia sẻ đã lên đến con số 80.000 cuốn chỉ trong vòng một tháng tại nhà sách Tân Hoa ở Hợp Phì. Hình thức kinh doanh mới lạ này cũng đã gây được sự chú ý của Ngân hàng Everbright ở Bắc Kinh. Với những khách hàng muốn thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, họ chỉ cần đăng ký thông qua hệ thống Wechat của ngân hàng là có thể trả khoản tiền cọc cho dịch vụ chia sẻ sách. 
 
Nói về dịch vụ chia sẻ sách, chị Hoàng, một người yêu sách lâu năm, cho biết: “Bán sách, chia sẻ sách hay bất kỳ phương thức nào khác, miễn là các cuốn sách được độc giả tìm đọc thì điều đó đã thể hiện giá trị của những món ăn tinh thần này”. Khi nói về việc tìm đến sách, các cửa hàng trực tuyến trong dịch vụ chia sẻ sách, chị Hoàng cho rằng, nếu làm một phép so sánh, độc giả chọn sách từ các cửa hàng trực tuyến trong dịch vụ chia sẻ sách có lẽ sẽ khiến họ cảm thấy hài lòng hơn. Với các đầu sách mới được cập nhật liên tục trong một hệ thống chuyên nghiệp, độc giả cũng dễ dàng khi lựa chọn cho mình một cuốn sách phù hợp. Mặt khác, với những độc giả có khoản tiền eo hẹp, sử dụng dịch vụ này sẽ giúp họ tiết kiệm được nhiều chi phí, trong khi vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu đọc sách.
 
Một dịch vụ mới ra đời ắt sẽ có những ý kiến trái chiều. Đề cập về dịch vụ chia sẻ sách, nhà văn Tam Thi, cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản và tiếp thị sách lại cho rằng, đây chỉ là dịch vụ “bình mới, rượu cũ” có chút cải tiến hơn so với việc mượn sách tại các tiệm sách nhỏ hay các quầy sách vỉa hè. Để dịch vụ chia sẻ sách thật sự hòa nhập vào ngành công nghiệp sách ở Trung Quốc vẫn còn những bước đi rất dài, độc giả cũng nên góp sức để cho dịch vụ này cơ hội phát triển. 

Những người đồng quan điểm với chị Hoàng thì lạc quan hơn về dịch vụ chia sẻ sách trong tương lai. Không ít người nghĩ rằng, tuy số lượng các thành phố thực hiện dịch vụ chia sẻ sách còn khiêm tốn, nhưng với mức độ yêu thích của độc giả hiện nay, chia sẻ sách sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn ở nhiều địa phương khác và góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục