Chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu không gian địa lý trên cả nước

Sáng 12-9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật

Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, thời gian qua các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và một số mục tiêu quan trọng khác.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế, như: hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung…

Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh đó, cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Đo đạc và bản đồ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật, song đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn các nội dung của dự thảo luật với các luật có liên quan, như Luật Thủy lợi, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải, Luật Biển Việt Nam… để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật Đo đạc và bản đồ nhằm phục vụ phát triển kinh tế -  xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ, việc xây dựng dự thảo luật dựa trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP hay Nghị định số 45/2015/NĐ-CP (cùng quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ), vì Nghị định số 45/2015/NĐ-CP mới chỉ được ban hành hơn 2 năm.

Nhấn mạnh một nội dung mới trong dự thảo luật là việc tập hợp các chính sách, tổ chức, thể chế, tiêu chuẩn, công nghệ, dữ liệu và nguồn lực nhằm chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu không gian địa lý trong phạm vi cả nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt câu hỏi: Dự thảo đã quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hay chưa; có cần quy định về Ủy ban Quốc gia về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trong luật hay không…

Tin cùng chuyên mục