Chiếc bảng gỗ của mẹ

Khi tôi bắt đầu biết đánh vần, tập đọc thì đã thấy chiếc bảng gỗ của mẹ nằm đó từ bao giờ. Nó “lớn lên” từng ngày, thêm tuổi cùng tôi và các anh chị.
Chiếc bảng gỗ của mẹ

Khi tôi bắt đầu biết đánh vần, tập đọc thì đã thấy chiếc bảng gỗ của mẹ nằm đó từ bao giờ. Nó “lớn lên” từng ngày, thêm tuổi cùng tôi và các anh chị.

Tôi vẫn thường đứng chắp tay sau lưng như một bà cụ non và chăm chú đọc từng dòng mẹ viết trên đó. Những ý nghĩ ngộ nghĩnh chạy qua đầu tôi. Tôi thầm tự hào, chắc hẳn chẳng có nhà nào sở hữu một chiếc bảng độc đáo như nhà tôi đâu. Ba chị em chúng tôi sinh cách nhau mỗi người hai tuổi, chị cả trở thành người lãnh trách nhiệm lớn lao trông chừng, chăm sóc các em khi mẹ vắng nhà hay bận việc. Chị em gà vịt cứ thế lớn lên bên nhau, chơi đùa, chia sẻ và cả những cãi lộn, tranh giành của tuổi nhỏ.

Ảnh minh họa

Gọi là bảng gỗ cho oách chứ thực chất đấy là tấm vách làm nhà bằng gỗ. Đó là nơi mẹ viết những dòng nhắc nhở dành cho chị lớn, ghi nhớ những việc cần làm, giờ nào cho em ăn. Với trẻ con ham chơi, lời dặn của mẹ có thể nói trước quên sau, mẹ rời khỏi cổng thì lời đã rơi rụng ít nhiều. Thế nhưng, nhờ có chiếc bảng, chị tôi nhớ làm việc cần làm, hoàn thành trước khi mẹ về, nhớ cho em ăn, nhớ cho em uống thuốc, nhớ thái rau lợn, nhớ múc cám cho lợn ăn... Chiếc bảng như người bạn nhỏ giúp chúng tôi lớn lên, có ý thức trong việc san sẻ công việc có thể làm trong độ tuổi, bớt đi vất vả cho mẹ.

Dù thế không tránh khỏi những lần mải mê với trò chơi thú vị nào đó mà chiếc bảng gỗ dường như trở thành vô hình trước mắt mấy đứa trẻ. Mỗi lần nhìn nó, tôi vẫn có thể nhìn thấy từng dòng nước mắt của chị lẫn em khi mẹ mắng, mẹ phạt đòn vào mông vì có lúc ham chơi mà lãng quên lời mẹ dặn. Chị bị đánh vì không hoàn thành công việc, em mếu máo khóc theo vì mê chơi kéo chị chơi cùng, khiến chị bị đòn. Mẹ mắng đấy, đánh đấy nhưng rồi sau đó xót con lại lặng lẽ đi xoa dầu, ôm con mà khóc. Bốn mẹ con nhìn nhau, rồi ôm nhau khóc òa.

Chúng tôi cứ thế lớn lên cùng sự tảo tần yêu thương của mẹ, cùng chiếc bảng gỗ “huyền thoại” trong trí nhớ. Chúng tôi ý thức hơn, biết lo lắng làm việc nhà hộ mẹ, biết quét dọn sân vườn sạch sẽ, nhặt rau, nấu nồi cơm trước khi mẹ đi làm về. Những điều mẹ ghi trên đó dường như đã thành nếp nghĩ, nếp nhớ của bao nhiêu tháng năm nên chúng tôi chẳng thể nào quên nữa. Dẫu vậy, chẳng ai nỡ xóa đi những dòng chữ của mẹ. Nét chữ yêu thương, rèn luyện, nghiêm khắc của mẹ với chúng tôi. Tấm bảng và những dòng chữ ấy còn đong đầy những kỷ niệm, hình ảnh về mẹ.

Giờ đây, cả ba chị em đều lớn khôn, xa nhà, mỗi lần trở về lại đứng trước tấm bảng, ngậm ngùi đọc từng dòng chữ. Dường như năm tháng nào đã đi qua đang chầm chậm quay trở lại, rõ ràng, hiển hiện.

Bóng hình của mẹ chưa bao giờ mờ phai trong lòng chúng tôi. Chiếc bảng gỗ là chứng nhân, là ký ức về mẹ. Nhờ nó chúng tôi lớn khôn nên người. Về lại nơi đây, tôi như thấy mẹ đứng đó, nắn nót viết từng lời căn dặn cho các con. Tấm bảng gỗ vẫn đây, chỉ mẹ đã về một nơi rất xa, thì hình ảnh mẹ vẫn mãi mãi còn trong trái tim các con…

Diên Vỹ (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục