Chiến “gàn” và “aspirin” cho cây trồng

Chiến “gàn” và “aspirin” cho cây trồng

Ăn mặc tuềnh toàng, dáng vẻ phong trần, anh kỹ sư nông nghiệp có cái tên ấn tượng Hứa Quyết Chiến giống một lãng tử hơn là một nhà khoa học. Anh là người đã tìm ra được những chế phẩm sinh học có hiệu quả độc đáo, mới nhất là chế phẩm phòng trừ được bệnh lùn xoắn lá trên cây lúa.

  • Long đong vì “phải lòng” khoa học!
Chiến “gàn” và “aspirin” cho cây trồng ảnh 1
KS Chiến với chế phẩm EXIN 4.5 HP.

Cùng với nhiều sinh viên Việt Nam được cử sang Bulgaria du học, năm 1977, sau khi tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp, lúc 23 tuổi, Hứa Quyết Chiến về nước. Được phân công về bộ môn Cây lương thực – Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Chiến hơi thất vọng vì biết đó là nơi chủ yếu triển khai ứng dụng, ít có điều kiện thực hiện những nghiên cứu cơ bản, vốn là “máu” của anh.

 Với lịch làm việc suốt ngày quanh quẩn trong phòng thí nghiệm, hầu như cả tuần mới có một buổi đi thực địa ở ngoài đồng ruộng, Chiến sinh ra chán nản… Do vậy, quãng thời gian đầu, anh thường xuyên “tìm quên hiện tại” ở các sân thể dục thể thao hoặc chỗ đàn hát. Và cũng vì thế mà trong mắt nhiều người, anh là một gã ham chơi, vô tích sự.

May thay, đam mê nghiên cứu khoa học trong anh chỉ tạm thời bị đè nén chứ chưa phai nhạt, nhờ vậy, tuy chỉ hiếm hoi mới được ra đồng ruộng nhưng nhờ biết “tận dụng triệt để thời cơ” nên anh đã nhìn ra được quy luật của sâu bệnh trên cây lúa.

Đó là: thuốc diệt sâu sẽ làm sinh ra loại sâu mới có khả năng thích nghi cao hơn; xu thế này cứ tiếp diễn và không có điểm dừng, các loại sâu bệnh mới sẽ cứ xuất hiện mãi, điều này rất nguy hiểm cho sản xuất lẫn người nông dân. Từ lúc phát hiện được điều mới mẻ này, Chiến suốt ngày xắn quần lội ruộng. Anh hồi tưởng: “Tôi ở ngoài đồng là chính để tìm hiểu kỹ các loại sâu bệnh, ngoài ra còn để “trốn” sự bức bối của phòng thí nghiệm lẫn sự săm soi, chỉ trích của người khác!”.

Đến đầu những năm 80, khi đã nắm bắt tương đối đầy đủ đặc điểm sinh trưởng, phát triển và cơ chế gây bệnh của nhiều loại sâu bệnh phổ biến trên đồng ruộng thời đó, Chiến mới dành thời gian ngồi ở phòng thí nghiệm nhiều hơn. Vì nghiên cứu sâu bệnh không phải là nhiệm vụ chính của bộ môn anh phụ trách nên anh phải âm thầm bỏ tiền túi ra mua hóa chất về thử nghiệm…

Khoảng cuối năm 1983, anh đã điều chế ra chế phẩm với hoạt chất gốc là Salicylic acid (SA) có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại ký sinh sâu bệnh. Mặc dù vậy, để công khai chứng minh với mọi người công dụng của chế phẩm này, anh phải nhờ một người bạn ở bộ môn Bảo vệ thực vật đứng tên chung báo cáo đề tài.

Nhờ thế mà anh được nhận về bộ môn này để tiếp tục hoàn thiện đề tài. Tuy nhiên, vì chuyện này mà truân chuyên lại tiếp diễn với anh. Đỉnh điểm là đến năm 1991, anh bị buộc phải làm… thủ thư cho thư viện của viện! Dù việc nghiên cứu liên tục bị gián đoạn nhưng anh vẫn kiên nhẫn chịu đựng, âm thầm thực hiện đam mê của mình.

  • Thuốc “aspirin” cho cây trồng

Trong khoảng thời gian bị “giam lỏng” ở thư viện, anh tình cờ đọc được tờ báo Science (Mỹ), trên đó có thông tin hãng thuốc Ciba-Gegy (Thụy Sĩ) cũng đang nghiên cứu dạng chế phẩm tương tự. Nhờ một người bạn đang làm cho văn phòng đại diện của hãng ở TPHCM, chế phẩm của anh được gửi sang kiểm nghiệm ở trụ sở của hãng bên Thụy Sĩ.

Kết quả thật không phụ lòng người, thuốc của kỹ sư Hứa Quyết Chiến có thể phòng ngừa được 11 loại bệnh trên thực vật do nấm, vi khuẩn, virus gây ra. Từ kết quả đó, cùng với hoàn cảnh éo le hiện tại và lời khuyên của bạn bè, năm 1992 Chiến xin chuyển về Viện Sinh học nhiệt đới (Viện KH-CN Việt Nam) để tiếp tục hoàn chỉnh thành quả nghiên cứu. Ở đây, Chiến được Bộ Khoa học Công nghệ-Môi trường cấp kinh phí, chế phẩm được đưa sang Bulgaria khảo nghiệm thực tế theo dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa 2 nước.

Thử nghiệm tại Viện Sinh lý thực vật và Viện Bảo vệ thực vật tại Sofia, Bulgaria, cho thấy chế phẩm từ hoạt chất SA có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn virus, hạn chế bệnh trên cây trồng. Năm 1999, đề tài được bảo vệ thành công dù không đạt tiêu chuẩn đề tài cấp bộ (do anh mới là kỹ sư) nhưng đã được Bộ KHCN-MT đặc cách cho bảo vệ.

Mặc dù là chế phẩm sinh học, không gây hại môi trường và sức khỏe con người, thuộc diện được đặc cách nhưng anh phải lận đận, ra vô Hà Nội “cầu xin” mãi, đồng thời nhờ sự lên tiếng của công luận, đến tháng 9-2001, chế phẩm mới được Bộ NN và PTNT cấp phép sử dụng để phòng trị bệnh đạo ôn, đốm vằn trên lúa với tên thị trường là EXIN 4.5 HP.

Giải thích vì sao chế phẩm chỉ được cấp phép phòng trị các bệnh trên mặc dù thuốc có khả năng nhiều hơn thế, anh Chiến thổ lộ: “Nếu muốn khảo nghiệm thêm các bệnh khác phải tốn kém rất nhiều chi phí và công sức mà tôi thì kiệt quệ rồi”. Để theo đuổi tới lúc chế phẩm trên được công nhận, anh Chiến đã phải vay mượn khắp nơi, nợ khoảng 40 cây vàng…

Ngoài việc phát hiện ra chế phẩm EXIN 4.5 HP, với nguyên tắc nghiên cứu tìm ra những chế phẩm sinh học có tác dụng giảm mật độ bệnh, không cho mầm bệnh phát thành bệnh chứ không diệt bệnh như thuốc hóa học, kỹ sư Hứa Quyết Chiến còn điều chế được một số chế phẩm được ứng dụng rộng rãi khác như AIM 3.5 HP phòng trừ rầy trên lúa, SH’99 diệt bệnh virus ở tôm…

Không dừng lại đó, từ giữa năm 2005, khi thấy bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do virus gây ra trên lúa (với tác nhân truyền bệnh là rầy nâu) phát thành dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất lúa, anh còn xin đăng ký đề tài khoa học khảo nghiệm chế phẩm thế hệ tiếp theo dùng phòng trị hai bệnh trên dựa trên nền chế phẩm EXIN 4.5 HP.

Anh giải thích: “Thật ra thì từ năm 1998 tôi đã thử nghiệm thuốc này trên cây lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nhưng thời đó, bệnh này chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên đồng ruộng, hầu như không gây hại gì nên cả nhà nông lẫn nhà khoa học đều không mấy quan tâm. Thuốc có tác dụng kích thích hệ thống đề kháng (Systemic Acquired Resistance-SAR) ở cây trồng để chống lại sự xâm nhiễm của các loại ký sinh gây bệnh, tương tự như aspirin”. Tuy nhiên, từ đó đến nay (9-2006), vì còn vướng nhiều thủ tục nên đề tài của anh Chiến vẫn chưa được xét duyệt. Trong khi đó, theo thừa nhận của các chuyên gia trong ngành, tới giờ cả thế giới vẫn chưa tìm ra được loại thuốc gì chế ngự được hai căn bệnh trên.

Không cam lòng trước dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá ngày càng hoành hành dữ dội ở đồng bằng sông Cửu Long, được sự hỗ trợ của một công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, anh Chiến “đánh liều” đưa thuốc của mình ra đồng ruộng thử nghiệm “chui”. Từ tháng 5-2006 đến nay, thuốc đã được nông dân nhiều vùng như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… sử dụng và đem lại hiệu quả đáng kể, dịch bệnh được đẩy lùi, đảm bảo được năng suất lúa theo dự kiến.

Sau một số đợt giám sát, PGS.TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) nhận định: “Bước đầu, chế phẩm sinh học EXIN 4.5 HP có khả năng ngăn chặn được bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thể đặc cách nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đưa thuốc ra khảo nghiệm chính quy để có những hướng dẫn tốt nhất cho nông dân về liều lượng và cách sử dụng, nhất là vấn đề cấp phép sử dụng thuốc”.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục