Chiến lược phát triển thương mại trong nước

Bộ Công thương đang xây dựng “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm xác định các quan điểm, định hướng và giải pháp đẩy mạnh thương mại nội địa một cách nhanh và bền vững. Các chuyên gia kinh tế đã đánh giá cao việc xây dựng chiến lược, tuy nhiên cần làm rõ nhiều nội dung cho phù hợp với tình hình mới.
Mua sắm tại siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Mua sắm tại siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất và phân phối chưa chặt chẽ

Theo Bộ Công thương, hàng năm thương mại trong nước tạo ra giá trị khoảng 14%-15% GDP, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 6-7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của nước ta có mức tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn từ năm 2015-2017, mức tăng bình quân 10,5%-10,9%/năm. Riêng năm 2018, tổng mức tăng 11,7% so với năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Mức độ tham gia hoạt động thương mại ngày càng đa dạng, có sự dịch chuyển từ khu vực nhà nước vào khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân và khu vực doanh nghiệp (DN) FDI. Tính chung giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng bình quân hàng năm về thương mại bán lẻ của khu vực nhà nước là 3%-4%, ngoài nhà nước 15%-16% và khu vực FDI 20%-22%, cho thấy quá trình hội nhập, mở cửa nền kinh tế đã có tác động rõ nét dần trên cơ cấu chủ thể tham gia hoạt động thương mại trong nước. 

Về thực trạng phát triển thương mại, theo Bộ Công thương, số người tham gia buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian. Chưa thiết lập được mối liên kết lâu dài giữa sản xuất và lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo kênh lưu thông hợp lý, ổn định. Hạ tầng thương mại có phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém và lạc hậu. Hệ thống phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh… phân bổ không đồng đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng chợ từ ngân sách chưa thỏa đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý. 

Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các DN. Thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu đổi mới thương mại trong nước cả về hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế quản lý, điều hành của nhà nước.

Chiến lược phát triển thương mại nội địa do Bộ Công thương xây dựng hướng đến mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh, môi trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

Tôn trọng các quy tắc thị trường

Các giải pháp dự thảo chiến lược hướng tới việc giải quyết các vấn đề về tổ chức kênh phân phối; về loại hình, phương thức kinh doanh; về kết cấu hạ tầng thương mại; về các loại hình DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, khu vực, qua đó góp phần hỗ trợ DN tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đổi mới phương thức hoạt động của thương mại theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước, tôn trọng các quy tắc thị trường. 

Dự thảo chiến lược được chia thành từng giai đoạn cụ thể, đồng bộ về thời gian gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển 10 năm của quốc gia. Đồng thời xây dựng các mục tiêu cụ thể cần đạt được cho từng giai đoạn; có định hướng và giải pháp thực hiện phù hợp như nhóm giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh theo cam kết quốc tế; nhóm giải pháp phát triển hạ tầng thương mại; nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và điều tiết thị trường; nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thương mại; nhóm giải pháp gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm; nhóm giải pháp hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ…

TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá cao dự thảo Chiến lược phát triển thương mại nhà nước, thể hiện khá rõ vai trò của nhà nước với phát triển thương mại trong nước. Có thể nói, trong giai đoạn đổi mới, thương mại là lĩnh vực được thị trường hóa sớm nhất, đi trước và gắn chặt với quá trình mở cửa và cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên, trong tình hình mới, cần làm nổi bật một số quan điểm về việc vai trò nhà nước, như nhà nước chỉ can thiệp vào những địa bàn, lĩnh vực mà tư nhân không tham gia, ví dụ khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; tập trung vào giữ trật tự thị trường, bình ổn thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khắc phục những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Hoàn thiện khung khổ pháp luật, trước mắt tập trung luật hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, thiết lập thị trường, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, hoàn thiện cơ chế pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

TS Trần Toàn Thắng cũng đề nghị bổ sung về quan điểm phát triển thương mại trong nước liên quan đến vai trò dự báo, thông tin của nhà nước. Đây là lĩnh vực không hoặc ít tạo ra lợi nhuận do bản chất “hàng hóa công” của thông tin dự báo để tránh làm sai lệch thông tin. Do vậy, trong thời gian tới, nhà nước cần đầu tư thỏa đáng cho công tác dự báo và thông tin thị trường. Cơ chế đầu tư hoạt động có thể qua đặt hàng của nhà nước hoặc qua việc sử dụng, củng cố các cơ quan thông tin và dự báo hiện nay của các bộ, ngành liên quan. 

Tương tự, TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng dự thảo đã nêu một hệ thống định hướng, giải pháp toàn diện cho ngành thương mại. Song ban soạn thảo cần nghiên cứu chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có chức năng quản lý thị trường, quản lý thương mại. Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp sẽ giúp các cơ quan hoạt động hiệu quả hơn trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Xây dựng phương pháp đánh giá nhu cầu hạ tầng thương mại ở các địa phương để hướng dẫn các địa phương triển khai, đánh giá nhu cầu và hỗ trợ DN đầu tư hạ tầng thương mại khi có nhu cầu. 

Về hỗ trợ ứng dụng khoa học  - công nghệ, TS Đặng Quang Vinh đề nghị bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách mua sắm công trực tuyến ở các cấp, chính sách khuyến khích sử dụng thanh toán di động, thanh toán online (giảm phí, miễn phí cho DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh) như các giải pháp thúc đẩy DN ứng dụng khoa học - công nghệ trong thương mại.

Tin cùng chuyên mục