Chiến lược xây dựng các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam

UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 1891/QĐ - UBND ngày 8-5-2018 về triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 
Theo đó, đối với hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh để đến giai đoạn 2025 - 2030, hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
TPHCM cũng quy hoạch tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%. Ngoài ra sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2020, trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể. 
Chiến lược xây dựng các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam ảnh 1 Đại siêu thị Co.opXtra Vạn Hạnh đi vào hoạt động từ đầu năm 2018
Đối với cửa hàng bán lẻ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. Đồng thời, kêu gọi các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.
Đối với mạng lưới chợ, TPHCM cũng đề ra các giải pháp thực hiện quy hoạch như xây dựng, hoàn thiện các công trình phụ trợ (bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng…) và nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng chợ đã xuống cấp. Đồng thời, phát huy hết công suất hoạt động của các chợ hiện hữu; tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác; rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ đối với những chợ hoạt động không hiệu quả.
Nhằm đảm bảo chợ hoạt động ổn định, tránh xáo trộn trong thời gian chuyển tiếp giữa Pháp lệnh phí và lệ phí trước đây với Luật Giá mới ban hành, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay sở đã có tờ trình gửi UBND TPHCM thông qua và ban hành quyết định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Trong đó, đề xuất mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) không quá 200.000 đồng/m2/tháng. Riêng với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, có thể áp dụng mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đối với các chợ truyền thống cao hơn mức thu được quy định tại quyết định này, nhưng tối đa không quá 2 lần mức thu của chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, căn cứ trên quyết định của UBND TPHCM ban hành, UBND các quận, huyện sẽ ban hành quyết định mức giá cụ thể của từng chợ trên địa bàn trong thời gian tới. 
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, hoạt động thương mại trên địa bàn TPHCM đã hình thành nhiều tuyến đường chuyên kinh doanh và phục vụ du lịch ở một số địa bàn trọng điểm.
Đơn cử, khu phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) đã là điểm đến ăn uống, vui chơi của nhiều người dân cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Hay muốn tìm kiếm điểm đến thưởng thức văn hóa nghệ thuật, người dân có thể đến với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện (quận 1). Riêng khách hàng có nhu cầu mua sắm tiêu dùng sẽ được đáp ứng khi đến phố vàng bạc đá quý, phố đông y, phố thời trang… ở quận 5.
Ông Trần Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động, cho hay việc quy hoạch các phố chuyên kinh doanh ngành hàng đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của nhiều hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn TP. Đồng thời, việc “buôn có bạn, bán có phường” sẽ giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh thu hút khách hàng, nâng cao chất lượng hàng hóa và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, góp phần từng bước sắp xếp các hộ kinh doanh tự do vào những khu vực cố định, thu gọn hàng hóa trên vỉa hè, không để tràn xuống lòng đường, có chỗ để xe cho khách và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thống kê đến hết năm 2017, tại TPHCM đã phát triển 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, 1.100 cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, nếu giai đoạn trước đây số lượng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng không đáng kể trong toàn hệ thống siêu thị tại TPHCM, đến nay tỷ trọng này đang có xu hướng tăng, chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và khoảng 40% siêu thị tổng hợp trên địa bàn.
Thông qua nhiều phương thức thâm nhập thị trường bán lẻ tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung như mua bán, sáp nhập, liên doanh, liên kết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hệ thống siêu thị có yếu tố nước ngoài đang có xu hướng tăng theo làn sóng thực thi các cam kết hội nhập ª

Tin cùng chuyên mục