Chiến tranh thương mại uranium?

Bộ Thương mại Mỹ vừa triển khai một cuộc điều tra an ninh quốc gia mới về các mặt hàng uranium nhập khẩu, mở ra khả năng Mỹ áp thuế hoặc áp hạn ngạch giới hạn đối với mặt hàng này, kéo theo đó là nguy cơ lan rộng cuộc chiến thương mại. 

 

Chiến tranh thương mại nhằm vào mặt hàng uranium
Chiến tranh thương mại nhằm vào mặt hàng uranium
Cuộc điều tra thứ 4

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cuộc điều tra được thực hiện theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, xuất phát từ kiến nghị của hai công ty khai thác uranium của Mỹ là Ur-Energy Inc và Energy Fuels Inc. Hai công ty này khiếu nại rằng những đối thủ cạnh tranh nước ngoài được trợ cấp đã cạnh tranh thiếu bình đẳng tại thị trường Mỹ, khiến các công ty trong nước phải cắt giảm công suất và sa thải công nhân. 

Bộ trưởng Ross cho biết, cơ quan chức năng sẽ đánh giá toàn diện ngành uranium của Mỹ, từ hoạt động khai thác tới làm giàu cũng như việc tiêu thụ trong công nghiệp và quốc phòng. Vụ Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành đánh giá minh bạch, công bằng và toàn diện để xác định các hoạt động nhập khẩu uranium có đang đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ hay không. 

Đây là cuộc điều tra thương mại thứ 4 của chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi động theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại. Giới quan sát đang lo ngại các cuộc điều tra nhập khẩu liên tiếp này có nguy cơ làm lan rộng chiến tranh thương mại toàn cầu.

Trước đó, các cuộc điều tra đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu đã dẫn đến việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng kim loại này, kéo theo đó là căng thẳng thương mại và các biện pháp trả đũa từ các đối tác của Mỹ, bao gồm Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc điều tra khác đối với ô tô nhập khẩu.

Cảnh báo “gậy ông đập lưng ông” 

Ngày 19-7, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ có biện pháp đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với ôtô của liên minh này. Bà Malmstrom nhấn mạnh giới chức EU đang chuẩn bị một danh sách gồm các biện pháp áp thuế đáp trả đối với ôtô của Mỹ, tương xứng với các mức thuế mà Washington đang xem xét đưa ra nhằm vào mặt hàng tương tự của EU. Bà nhấn mạnh biện pháp này sẽ được thực hiện giống như với các sản phẩm nhôm và thép. 

Cùng ngày 19-7, Canada và Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác phản ứng với những động thái áp thuế ô tô của Mỹ, và thống nhất cùng chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang tăng cao trong thương mại toàn cầu. 

Liên quan đến tác động của chính sách áp đặt thuế quan của Mỹ, ngày 18-7, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, khẳng định các doanh nghiệp của Mỹ đã bị tổn hại bởi “cuộc đấu thuế quan” nhằm vào những sản phẩm chủ chốt, đồng thời cho rằng nếu chính sách thương mại của Washington giúp giảm bớt thuế quan, sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ. Ông Powell nhận định, tranh chấp thương mại sẽ đẩy FED vào tình thế khó khăn khi phải nâng dần lãi suất, tạo áp lực ngược lên nền kinh tế. FED đã hai lần nâng lãi suất trong năm nay và dự kiến sẽ còn thực hiện thêm 2 lần nữa để giảm bớt áp lực lạm phát. 

Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế Mỹ đặc biệt mong manh trước những tác động của cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF cho rằng trên thực tế, tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại tại khu vực châu Âu, Nhật Bản và Anh. Đặc biệt, trong khi tất cả các nền kinh tế đều suy yếu vì chiến tranh thương mại thì nền kinh tế Mỹ được dự báo là thiệt hại nặng nề nhất khi rất nhiều hoạt động thương mại toàn cầu của quốc gia này phải gánh chịu những biện pháp đáp trả. Khi đó, những tác động tiêu cực đều sẽ dồn về nền kinh tế Mỹ, trong khi các khu vực khác vẫn tiếp tục giao thương với nhau.

Tin cùng chuyên mục