Chim cánh cụt biết bay…

Đi tìm “chim cánh cụt biết bay”
Chim cánh cụt biết bay…

Một clip chia sẻ trên Youtube kể về câu chuyện cậu bé không có đôi tay nhưng lại lái xe rất thuần thục. Ngỡ chuyện đùa nhưng đó là câu chuyện có thật, chiếc xe cậu bé lái chính là sản phẩm đồ án tốt nghiệp của bạn Đặng Thị Thu Hiền.

Đặng Thị Thu Hiền hướng dẫn một bạn sinh viên chạy thử xe.

Đặng Thị Thu Hiền hướng dẫn một bạn sinh viên chạy thử xe.

Đi tìm “chim cánh cụt biết bay”

Đặng Thị Thu Hiền, sinh viên năm cuối khoa Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc TPHCM đã trở thành thủ khoa tốt nghiệp của khoa (8,86 điểm) với đồ án xe cho người khuyết tật tay mang tên “Chim cánh cụt biết bay”.

Với những sinh viên theo học khoa Mỹ thuật công nghiệp, từ năm học thứ ba, nhiều giảng viên đã gợi ý sinh viên nên làm đồ án tốt nghiệp về phương tiện giao thông, có tính ứng dụng cao, giải quyết được những vấn đề phát sinh của xã hội. Thu Hiền nghĩ tới xe cho người khuyết tật tay. “Xe cho người khuyết tật chân thì nhiều rồi nhưng khuyết tật tay thì chưa có ở thị trường Việt Nam, nếu có cũng chỉ là xe tự chế rất nguy hiểm” - Hiền cho biết.

Ý tưởng được giảng viên đánh giá cao. Để từ ý tưởng đến đồ án, Hiền đi đến nhiều mái ấm, cơ sở khuyết tật tìm gặp người khuyết tật tay tham khảo ý kiến. Tuy nhiên không dễ tìm gặp vì thành phần như vậy không nhiều. Cuối cùng, Hiền tìm đến Vũ Minh Hùng (nhân vật trong clip). Khi được hỏi có muốn chạy xe không, Hùng chỉ biết nói: “Con làm sao mà chạy xe được khi không có tay? Đành phải chấp nhận là không bao giờ lái xe được”. Thấy nhu cầu của người khuyết tật tay được tự điều khiển xe là có thật nên Hiền càng có thêm động lực thực hiện đồ án.

Hiền tiếp tục xuống tận Định Quán (Đồng Nai) tìm gặp bé Hồ Hữu Hạnh. Lúc ấy, chiếc xe sắp hoàn thiện. Thấy Hạnh có biệt danh “Chim cánh cụt”, một cái tên nhiều ý nghĩa nên Hiền quyết định đặt tên đồ án của mình là “Chim cánh cụt biết bay”. Hiền cho biết: “Mình chọn tên đồ án, rồi thay đổi hình dáng, màu sắc xe sao cho giống biểu tượng loài chim cánh cụt hoàng đế nhằm giúp hình ảnh xe bớt thô kệch. Vì hình thức cũng quan trọng, giúp người khuyết tật tránh được cảm giác thiệt thòi”.

Xe đạp lái bằng... lưng

Sau những tìm hiểu về người khuyết tật tay, tham khảo xe ba bánh nằm ở nước ngoài, Hiền cùng một kỹ sư bắt tay vào thực hiện xe đạp lái bằng lưng. Vì là xe đạp nên tiêu chuẩn xe phải cấu tạo đơn giản, các phụ kiện đều là của xe đạp. Tuy nhiên, biến ý tưởng thành hiện thực không hoàn toàn đơn giản. Nhiều lần làm đi làm lại vẫn lắp ráp không đồng bộ. Hiền nói: “Người khuyết tật tay nhưng bả vai, hông, bụng, chân của họ rất dẻo và linh hoạt vì thế mình phải thiết kế phần bẻ lái sao cho nhẹ, linh động nhất có thể. Đây cũng là phần khó nhất”.

Tháng 7-2012, Hiền cùng kỹ sư làm liên tục trong gần 45 ngày mới hoàn thành. Xe dài 2m, được cấu tạo ba bánh, hai bánh trước gắn liền với bàn đạp. Phần điều khiển xe chính là yên xe có lưng tựa. Yên xe có thanh truyền động để người lái dễ dàng bẻ lái bằng lưng và vai. Trên xe trang bị đầy đủ hệ thống phanh, còi xe…

Hiền mang xe cho bé Vũ Minh Hùng chạy thử, bé Hùng chạy rất dễ dàng, thoải mái nên chạy khắp xóm. Theo Hiền, xe vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện như góc quay xe còn hạn chế, chỉ chạy được trong môi trường giao thông đơn giản. “Nhưng thấy sản phẩm mình bỏ ra hơn 20 triệu đồng cùng bao cố gắng cũng hoàn thiện và được điểm cao; thấy bé Hùng tự chạy xe được đầy thích thú, giúp ước mơ của bé thành hiện thực mình rất hạnh phúc”- Hiền phấn khởi chia sẻ.

Cũng theo Hiền, chiếc xe đạp lái bằng lưng sẽ không mang nhiều lợi ích về kinh tế cho người sản xuất ra nó. Nhưng Hiền mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp nhân rộng đồ án của mình, tạo ra thêm nhiều xe không vì lợi ích kinh tế mà vì lợi ích xã hội.

Trần Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục