Chính phủ cần báo cáo việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ​

Thị trường bất động sản có dấu hiệu “nóng” lên, nhất là các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được trình Quốc hội. 
Có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Ảnh tư liệu
Có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Ảnh tư liệu

Ngày 21-5, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kinh tế quý I-2018 với sự bứt phá về GDP đem lại kỳ vọng lớn nhưng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước. Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương là các cực tăng trưởng của đất nước. Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn.

Chưa gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Giá trị gia tăng của sản phẩm một số ngành công nghiệp tăng chậm, chưa tham gia nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng ngành và giữa các ngành còn hạn chế.

Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt thấp; một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, chậm hoàn thành thủ tục trình Quốc hội chủ trương đầu tư đối với một số dự án ODA; đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ yếu để không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo.

Quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước chưa bảo đảm tiến độ. Một số vụ việc về định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai… thể hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp. Cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm được hoàn thiện. 

Ủy ban cũng cho rằng, thị trường bất động sản có dấu hiệu “nóng” lên, nhất là các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được trình Quốc hội. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa DNNN và bán tài sản nhà nước; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương.

Đối với nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2018,  Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ và thực phẩm hợp lý, kết hợp với điều hành chính sách khác bảo đảm thực hiện mục tiêu lạm phát. Giải quyết triệt để những tồn tại về BOT giao thông. Tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, đẩy nhanh việc cơ cấu lại DNNN và xử lý các DNNN thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn, xử lý nghiêm lãnh đạo các DNNN vi phạm quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán. Tập trung cơ cấu lại, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, quyết liệt tăng cường kỷ luật NSNN, nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất các loại thuế mới.

Đặc biệt, cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, trong quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố, nhất là ở Hà Nội và TPCHM. Có giải pháp phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả đất đai, quản lý chặt chẽ các dự án phát triển nhà ở, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng…

Tin cùng chuyên mục