Chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm

Ngày 23-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ ngành, địa phương. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần là quyết tâm làm cho được CPĐT; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng CPĐT. 

Tháng 11 vận hành chính thức Cổng dịch vụ công quốc gia

Báo cáo tình hình triển khai xây dựng CPĐT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai CPĐT như: Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện... Đồng thời đã cơ bản hoàn thành nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến, các hệ thống này sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9 và vận hành chính thức trong tháng 11. Hiện nay, khung kiến trúc CPĐT Việt Nam (phiên bản 2.0) cũng đang được xây dựng và lấy ý kiến góp ý các bộ ngành, địa phương.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu.

Về triển khai hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 20-6, có khoảng 8 triệu hóa đơn được xác thực, số doanh thu là hơn 100.000 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn là 7.776 tỷ đồng. Hiện nay, cùng với xu thế phát triển của thương mại điện tử, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã trở thành yêu cầu tất yếu. Bộ Tài chính cùng với các chuyên gia hàng đầu của các hãng công nghệ đang nghiên cứu giải pháp, xây dựng mô hình triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý, tra cứu hóa đơn của số lượng lớn người dùng. Trong đó, số lượng hóa đơn tiếp nhận mỗi năm trên 8 tỷ hóa đơn (với khoảng 10% số lượng hóa đơn cần tiếp nhận theo thời gian thực và phải phản hồi ngay lập tức), thời gian lưu trữ 10 năm.

Còn theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cơ sở dữ liệu mà ngành đang quản lý là 14,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,87 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 84,48 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu của BHXH Việt Nam mới có giá trị nội bộ trong ngành BHXH mà chưa được định nghĩa về nội hàm, đối sánh, kiểm chứng với các lĩnh vực, các ngành khác…

Tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT từng bước được hoàn thiện. Các bất cập khó khăn trong cơ chế đầu tư, dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ. Thủ tướng lưu ý, tuy số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển CPĐT còn chậm, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư. Vừa qua, tình trạng xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu sự lãnh đạo tập trung nên các bộ ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau, dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông, không đồng bộ. An ninh, an toàn mạng tuy được quan tâm nhưng hiện nay còn nhiều vấn đề cần lo…

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn trong xây dựng CPĐT, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là 3 cấp độ phát triển khác nhau, không phải xong cấp độ 1 rồi mới tới cấp độ 2 mà ngay cấp độ 1 đã có các yếu tố của cấp độ 2, 3. Việc xây dựng CPĐT cần phải giải quyết tốt 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ công chức). Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài. “Mục tiêu của CPĐT là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ”, Thủ tướng chỉ rõ. Về nguyên tắc, phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Các dự án triển khai phải đặt dưới sự bảo đảm về an ninh, an toàn mạng của một đơn vị có thẩm quyền, có trách nhiệm.

Thủ tướng nhắc lại phương châm xây dựng CPĐT, đó là phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như CPĐT thất bại, đầu tư là lãng phí. Về cách tiếp cận, cách làm CPĐT, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ. “Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của CPĐT và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt; cần chú ý việc thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công để phù hợp, đưa lên trực tuyến; ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp.

Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2019 diễn ra tại Huế

Chiều 23-7, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế họp báo công bố chuỗi sự kiện công nghệ thông tin (CNTT) năm 2019 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức từ ngày 25 đến 27-7 tại TP Huế.

Theo đó, các sự kiện chính sẽ diễn ra như: Hội nghị xúc tiến đầu tư CNTT và công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh; Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử; Hội nghị giám đốc CNTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 tổ chức ngày 26-7 dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT-TT và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ thu hút hàng trăm diễn giả trong nước và quốc tế tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về lộ trình phát triển cổng dịch vụ công và Khung kiến trúc chính phủ điện tử 2020-2025 của Chính phủ; giới thiệu các mô hình kết hợp smart city và chính phủ điện tử của các nước phát triển trên thế giới; giới thiệu mô hình, kinh nghiệm phát triển chính phủ điện tử tại các quốc gia phát triển Singapore, Pháp; giới thiệu các giải pháp xây dựng và hiện đại hóa cổng dịch vụ công trực tuyến… Ngoài ra, hội thảo còn tổ chức 2 phiên thảo luận chuyên đề với nội dung: Chuyển đổi một số hoạt động quản lý nhà nước góp phần hoàn thiện chính phủ số: Mô hình và giải pháp công nghệ. Cải cách, tinh giản thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ công trực tuyến.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục