Chính phủ thảo luận về chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS công lập ở TPHCM

Ngày 3-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018. Tại phiên họp, Thủ tướng đã trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TT-TT với ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: VGP

Tại phiên họp này, ngoài thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về một số báo cáo: Báo cáo về việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2017 sang năm 2018 của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Báo cáo về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; về chủ trương miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở tại các trường công lập thuộc TPHCM...

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng cho biết vừa qua, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ và kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cao hơn so với lần trước. “Kết quả thấp hay cao đều thôi thúc Chính phủ làm việc tốt hơn, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Quốc hội, đặc biệt là phát huy ưu điểm, nhanh chóng khắc phục tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều quan trọng với Chính phủ là như 5 ngón tay trên 1 bàn tay, chụm lại, đoàn kết để phát triển đất nước trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội trong việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách để trình Quốc hội thông qua, đây sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ điều hành.

Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ giải pháp để chủ động thu ngân sách Trung ương khá hơn trong năm nay. Khắc phục việc giải ngân đầu tư công còn chậm, cả về thể chế và chỉ đạo, điều hành. “Điều này cần khắc phục nhanh bởi đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Tôi nói những ví dụ cụ thể như vậy, chứ không phải Chính phủ tiếp thu chung chung”, Thủ tướng lưu ý.

Về kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định. CPI bình quân 10 tháng tăng 3,6%, lạm phát cơ bản tăng 1,43%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Xuất khẩu tăng nhanh, đạt kỷ lục khi 10 tháng đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương mức của cả năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất siêu 6,4 tỷ USD. Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nông nghiệp phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Chỉ số PMI tăng từ 51,5 điểm tháng 9 lên 53,9 điểm vào tháng 10, thể hiện sự tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. Tổng cầu tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,4%. Thu hút khách quốc tế đạt trên 12,8 triệu lượt, tăng 22,4%...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ còn nhiều mặt tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục như môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang bị tụt hạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ trao đổi, thảo luận về vấn đề này, “không nói chung chung mà đi vào từng vấn đề, nội hàm, giải pháp, bước đi cụ thể”. Từng thành viên Chính phủ phải đi vào từng việc cụ thể, trăn trở làm thế nào để nâng từng chỉ tiêu, tiêu chí mà ngành mình phụ trách.

Đặc biệt, Thủ tướng  lưu ý tình trạng một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm như điều, cao su, hạt tiêu. Hay vấn đề dịch tả lợn châu Phi mà Trung Quốc đã công bố dịch tại phía bắc tỉnh Vân Nam, cách Lào Cai 700 km. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ NN-PTNT cần tập trung chỉ đạo đối với vấn đề này.  "Việt Nam có nhiều giống cây trồng quý nhưng do chưa chú trọng đúng mức bảo hộ bản quyền giống nên nhiều giống cây trồng đã rơi vào tay nước khác. Đây là vấn đề có tính lâu dài, các bộ, ngành liên quan cần báo cáo cụ thể và có giải pháp”, Thủ tướng nhắc nhở.

Cùng với đó là sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp trở ngại, cần tháo gỡ; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp, một số vụ việc có sự thông đồng, tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Trật tự, an toàn xã hội tại một số địa bàn diễn biến phức tạp; tội phạm ma túy, tình trạng xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, cướp ngân hàng xảy ra ở một số nơi. Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý cương quyết các vấn đề xã hội này…

Tin cùng chuyên mục