Chính quyền - người dân tương tác trên “App“

Từ nhiều tháng nay, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TPHCM không còn tất tả đến Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP để chờ nộp hồ sơ. Tất cả được thực hiện trực tuyến, thông qua app (ứng dụng trên điện thoại thông minh) có tên “Doanh nghiệp vận tải”. 
Chính quyền - người dân tương tác trên “App“

Anh Minh, chủ doanh nghiệp cung ứng xe du lịch ở quận 4, kể: “Từ khi có app, doanh nghiệp đăng nhập vào để tải mẫu hợp đồng vận chuyển, điền số liệu rồi gửi về bộ phận tiếp nhận hồ sơ của sở. Qua app, chúng tôi biết được tình trạng hồ sơ cơ quan nhà nước đã xử lý đến đâu, được chấp thuận hay chưa”.

Đây cũng là tin vui cho hơn 5.500 đơn vị kinh doanh vận tải đang hoạt động tại 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Bởi lâu nay, việc gửi và nhận văn bản giấy để giải quyết thủ tục hành chính khiến Sở GTVT TP và các đơn vị kinh doanh vận tải tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm, app giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn khi gửi trực tuyến cho sở các nội dung phải thực hiện định kỳ như: Thông báo hợp đồng vận chuyển; báo cáo kết quả hoạt động vận tải; gửi, nhận các văn bản điện tử và tra cứu, tìm kiếm, thống kê các nội dung liên quan... Ngược lại, cơ quan nhà nước cũng có thể tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp nhanh hơn, truy xuất dữ liệu theo yêu cầu và đặc biệt là có thể phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp 24/24 giờ.

Ngành Y tế TPHCM cũng mạnh dạn lên app gần nửa năm qua. Ban đầu, app “SYT.TPHCM” chỉ dừng ở cung cấp kho dữ liệu phác đồ điều trị, gửi thư mời họp trực tuyến các lãnh đạo bệnh viện và các khoa phòng. Từ 1-10-2018, app cho phép người dân tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ dịch vụ công của sở y tế.

Theo đó, khách hàng chỉ cần nhập số biên nhận sẽ nhận được thông báo kết quả giải quyết hồ sơ của mình. Khi có thông báo “Trả kết quả” thì đến nhận lại hồ sơ hoặc chờ bưu điện giao tận nhà. Trước đó, người dân TPHCM hết sức phấn khởi khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP công bố ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch. Trước đây, người dân phải ra UBND phường của mình để tra cứu và chờ được giải đáp thắc mắc. Nay, bà con, nhất là bà con ở xa trung tâm hành chính, ngồi ở đâu cũng chỉ cần có kết nối Internet, tải app là có thể tra cứu thông tin về các thửa đất, thông tin về quy hoạch, xin cấp chứng chỉ quy hoạch trực tuyến.

“Rục rịch” từ giữa năm 2018, đến tháng 11 vừa qua, Sở Công Thương TPHCM đã ra mắt cùng lúc 2 app, gồm: iSCT (hỗ trợ thông tin và tương tác với Sở Công Thương) và SaleNOW (hỗ trợ tìm kiếm thông tin khuyến mại). iSCT có nhiều tính năng nổi bật, cung cấp các thông tin về hoạt động của ngành công thương TP; tìm hiểu, tra cứu thông tin và kết quả thủ tục hành chính đang thực hiện tại sở; hỏi đáp, trao đổi thông tin, chính sách thuộc lĩnh vực ngành công thương. Còn với SaleNOW, người dân dễ  dàng tìm kiếm các thông tin, chi tiết về hàng hóa dịch vụ đang khuyến mãi trên địa bàn TP. Điểm nổi bật của app này là hỗ trợ thông tin khuyến mại theo thời gian thực kết nối trực tiếp vào dữ liệu kho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.

Cùng với các sở ngành, nhiều quận huyện cũng chủ động ra app để tăng tính kết nối với người dân. Chẳng hạn “Nhà Bè trực tuyến”, “Tân Bình trực tuyến”, “Bình Thạnh trực tuyến”... Truy cập vào đây, người dân có thể tải app, phản ánh các trường hợp vi phạm; theo dõi tra cứu thông tin; đồng thời đánh giá sự hài lòng về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính...

Từ nhiều năm qua, thủ tục hành chính với những quy định phức tạp, khiến người dân phải đi lại vất vả nhiều lần, thậm chí phải “luồn lách” để được ưu tiên giải quyết sớm. Trong khi đó, các sở ngành, quận huyện tuy đã “đổi mới” việc giao tiếp với người dân và doanh nghiệp thông qua website, nhưng theo đồng chí, Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hình thức website nay không còn phù hợp nữa khi ai ai cũng có điện thoại thông minh. Hình thức mới phải là ứng dụng trên điện thoại thông minh (app). Phải là app mới chuyển tải thông tin nhanh được.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại TPHCM đã được triển khai rộng và có chiều sâu trong lĩnh vực quản lý nhà nước, hỗ trợ hiệu quả công tác cải cách hành chính, thể hiện qua văn phòng điện tử với 753 đơn vị liên thông văn bản, điều hành qua mạng; 3,4 triệu văn bản điện tử; 21.600 hộp thư điện tử…

Phát biểu tại hội nghị công bố kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, trọng tâm của TP là tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh chính quyền điện tử mọi lúc mọi nơi và triển khai dịch vụ công trên điện thoại thông minh, với độ tương tác cao hơn, tạo tiện lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Sau giai đoạn “chính quyền điện tử”, TP sẽ tiến đến xây dựng “chính quyền điện tử thông minh” giai đoạn 2020 - 2025, trên cơ sở công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục