Chính sách di cư làm khó châu Âu

Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) ngày 1-7 cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã xin từ chức vị trí Bộ trưởng Nội vụ và vị trí Chủ tịch đảng CSU. 

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer
Động thái trên của ông Seehofer diễn ra trong bối cảnh ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đã có những bất đồng sâu sắc trong chính sách tị nạn. 
Căng thẳng trong nội bộ liên đảng cầm quyền CDU/CSU đã leo thang trong thời gian gần đây khi Bộ trưởng Nội vụ Đức đe dọa sẽ thực hiện “kế hoạch tổng thể di dân” của ông mà không cần sự chấp thuận của Thủ tướng Merkel. Theo chính sách tị nạn mới, Bộ trưởng Seehofer không muốn tiếp nhận tại biên giới Đức những người tị nạn đã đăng ký nhập cảnh vào một nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) và có dấu vân tay đã được lưu trong hệ thống Eurodac. Theo một báo cáo của chính phủ công bố ngày 30-5 vừa qua, trong năm 2017, Đức đã chi tổng cộng khoảng 20,8 tỷ EUR (24,2 tỷ USD) cho vấn đề người tị nạn. Đáp lại, bà Merkel cảnh báo sẽ sa thải ông Seehofer nếu ông này có hành động thách thức. 

Tuy các lãnh đạo EU đã cam kết sẽ hỗ trợ Thủ tướng Merkel nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư nhưng bất đồng không chỉ diễn ra trong nội các của chính phủ Đức. Ngày 1-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thay Đại sứ tại Hungary vì bất đồng quan điểm về vấn đề người nhập cư. Ông Macron cũng từng có nhiều tranh cãi với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và một số nhà lãnh đạo Đông Âu khác về chính sách di cư, cho rằng các nhà lãnh đạo này không tôn trọng các giá trị dân chủ của EU khi từ chối tiếp nhận người di cư. 

Quan điểm của Budapest về vấn đề người di cư trước nay vẫn rất rõ ràng, không muốn tiếp nhận bất cứ người tị nạn nào. Trong khi bà Merkel mong muốn chia đều trách nhiệm tiếp nhận người di cư giữa các nước châu Âu. Giới quan sát cho rằng khó có khả năng Hungary và Đức sẽ đạt được một thỏa thuận về vấn đề người di cư. Trước đó, Thủ tướng Merkel và người đồng cấp Italia Giuseppe Conte đã có cuộc hội đàm tại Berlin và tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề song phương, nhất là đối vấn đề tị nạn. Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Merkel đã cam kết sẽ hỗ trợ Italia trong việc giải quyết những vấn đề với người tị nạn. Thủ tướng Đức muốn đạt được thỏa thuận hồi hương song phương và đa phương với các nước láng giềng châu Âu rằng, những người tị nạn đã đăng ký xin tị nạn ở các quốc gia khác có thể bị từ chối tại biên giới Đức và được gửi trở lại các nước này. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6 vừa qua, mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận về di cư nhưng chính sách di cư luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa EU và các nước Đông Âu.

Tin cùng chuyên mục