Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Ngô Yên Thi:

Chính sách tôn giáo của Việt Nam là nhất quán và xuyên suốt

Chính sách tôn giáo của Việt Nam là nhất quán và xuyên suốt

Trong khuôn khổ hoạt động của ĐH Đảng X, chiều qua, 24-4, tại Trung tâm Báo chí đã diễn ra cuộc họp báo về chính sách tôn giáo và việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam. Tại cuộc họp báo, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Ngô Yên Thi đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước.

  • Việt Nam tôn trọng các điều ước quốc tế

Chính sách tôn giáo của Việt Nam là nhất quán và xuyên suốt ảnh 1

Ông Ngô Yên Thi, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (đứng) chủ trì cuộc họp báo.

- Báo SGGP: Trong quá trình hội nhập với quốc tế, luật pháp của Việt Nam về tôn giáo có điểm nào khác so với các điều ước của quốc tế về tôn giáo? Nếu có thì sắp tới, chúng ta phải điều chỉnh như thế nào?

- Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Ngô Yên Thi:
Khi Việt Nam đã tham gia ký kết các điều ước quốc tế, thì chúng ta phải luôn tôn trọng những điều đó. Ngay khi xây dựng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo chúng tôi cũng đã nghiên cứu và đưa nội dung những điều đó vào trong nội dung Pháp lệnh.

Tất nhiên, chắc chắn sẽ có những xung đột về pháp luật, nên trong điều cuối cùng của Pháp lệnh đã có câu là nếu như có những điều trong Pháp lệnh trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thì sẽ thực hiện theo điều ước quốc tế. Tuy vậy, không thể ép buộc nhau, áp đặt nhau về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo mà còn phải phụ thuộc vào việc thực hiện các điều ước đó.

- Báo SGGP:
Đề nghị ông cho biết rõ hơn quan điểm của Đảng về sử dụng nhân tài là người tôn giáo cũng như việc kết nạp vào Đảng những đối tượng là người theo các tôn giáo?

- Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có quan điểm rất rõ ràng, đặc biệt tại ĐH Đảng X lần này, các văn kiện đã thể hiện rõ điều đó. Tôi nhắc lại, tại Hội nghị TƯ lần thứ 12 khóa IX, có 3 nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta xây dựng xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thì nhất thiết phải phát huy toàn bộ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan điểm của Đảng rất rõ là lấy điểm tương đồng, không phân biệt sự khác nhau về chính kiến, tự do tín ngưỡng, miễn là không trái với lợi ích chung của đất nước, dân tộc. Đảng ta cũng nói rõ là xếp lại quá khứ, không phân biệt về thành phần, giai cấp, ai có tài, có tấm lòng đóng góp cho Đảng, nhà nước thì Đảng, Nhà nước đều xem xét, bố trí, sử dụng.

Đây là lúc Đảng cần người tài. Quan điểm đó rất rõ ràng. Đó cũng là truyền thống của ông cha ta. Thời kỳ nhà Trần, thời Tây Sơn đều đã có những chiếu “cầu hiền” để thu hút nhân tài. Quan điểm của Đảng ta chính là phát huy truyền thống “chiêu hiền đãi sĩ” đó của ông cha.

  • Quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican như thế nào?

- Báo Đà Nẵng: Xin ông cho biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican hiện nay đang tiến triển như thế nào?

- Đây là một vấn đề mà rất nhiều báo chí quan tâm. Năm 2005, chúng tôi đã có dịp qua thăm Vatican và có làm việc với Bộ Ngoại giao Vatican. Vatincan là một tổ chức tôn giáo toàn cầu, đồng thời là một nhà nước. Vì vậy, mối quan hệ với Vatican là mối quan hệ 2 mặt. Về quan hệ ngoại giao thì do Bộ Ngoại giao nghiên cứu.

Còn chúng tôi bên tôn giáo, thì có những mối quan hệ về tôn giáo. Lâu nay, mối quan hệ tôn giáo này vẫn diễn ra bình thường. Vatican qua Việt Nam làm việc và chúng tôi cũng qua Vatican làm việc. Có những vấn đề cần trao đổi thì 2 bên cùng trao đổi với nhau. Ví dụ như việc phong giám mục và chức sắc các giáo phận, thì đó là thẩm quyền của Tòa thánh Vatican và Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua Hội đồng giám mục và Ban Tôn giáo, chúng tôi tham mưu đề xuất lên với Thủ tướng và Vatican để cùng xử lý. Còn quan hệ về mặt ngoại giao nhà nước thì cần có lộ trình để nghiên cứu. Cần có sự tiếp cận qua lại để cùng hiểu và xử lý những vấn đề vướng mắc trước đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao.

- Hãng Thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc): Việt Nam đang và sẽ làm gì về vấn đề tôn giáo để góp phần tiếp tục ổn định trật tự xã hội, phát triển đất nước nói chung và ở vùng Tây Nguyên nói riêng?

- Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện 2 chính sách lớn là chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo. Về chính sách tôn giáo, đó chính là giải quyết đời sống tâm linh, tinh thần cho đồng bào. Chính sách này đã được thực hiện và đã có kết quả.

Thứ nhất là việc công nhận một số chi hội có đủ điều kiện trở thành thành viên Hội thánh Tin lành Việt Nam. Đến nay đã có gần 50 chi hội kiểu này được công nhận ở Tây Nguyên.

Thứ hai là cho mở các lớp để bồi dưỡng những chức sắc tôn giáo trong đồng bào dân tộc, để người ta hiểu và giảng giải cho bà con tín đồ về giáo lý của đạo mà đồng bào đang theo. Về việc này, Hội thánh sẽ lo phần giáo lý, còn địa phương thì sẽ nói về pháp luật, để bà con biết, hiểu mà làm theo cho đúng. Những lớp học này đã được tổ chức ở Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông…

Thứ ba là lo cho bà con trong sinh hoạt, nơi nào có đất đai, thì tạo điều kiện để cấp đất cho bà con xây dựng cơ sở thờ tự. Hiện nay Tây Nguyên đã có 50 chi hội được cấp đất để xây dựng cơ sở thờ tự.

Thứ tư là vấn đề Kinh thánh, Chính phủ đã đồng ý cho phép in Kinh thánh bằng tiếng Bana, Êđê và Giarai cho bà con các dân tộc. Còn về những tổ chức nào chưa đủ điều kiện thành lập một chi hội thì cho đăng ký điểm, nhóm để sinh hoạt tôn giáo một cách bình thường. Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã có 700 điểm, nhóm kiểu này.

Hai chính sách dân tộc và tôn giáo đã được thực hiện tốt, tình hình bà con các dân tộc vùng Tây Nguyên đã đi vào ổn định, kể cả trong sản xuất kinh tế, lẫn sinh hoạt văn hóa tinh thần, tôn giáo.
Không có việc bắt bà con bỏ đạo

- Hãng Thông tấn Đức (DPA):
Chúng tôi biết là hiện nay Việt Nam đang có nhiều hành động để đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân, vậy đã có điều luật, biện pháp cụ thể nào để trừng phạt những người vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân?

- Trước hết, tôi xin nói lại rằng, trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã nói rất rõ là nghiêm cấm mọi hành động xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, như bắt ép bà con bỏ hoặc theo đạo đều phải bị xử lý. Thông thường, việc xử lý có 2 mức: một là xử lý theo biện pháp xử phạt hành chính và hai là theo Luật Hình sự khi có những vi phạm cao hơn.

Tuy nhiên, việc đầu tiên là phải ngăn chặn, không cho tình hình đó diễn ra. Khi nơi này hay nơi khác xẩy ra những chuyện không đúng thì chúng tôi đã nhắc nhở để uốn nắn, sửa chữa. Cho đến nay, tôi khẳng định rằng, ở Tây Nguyên hay Tây Bắc, việc bắt bà con bỏ hoặc can thiệp để bà con không theo tôn giáo nào là không còn nữa.

Tôi cũng xin nói thêm, có những việc bắt bỏ đạo hay tương tự là xuất phát từ vấn đề nội bộ của đồng bào dân tộc chứ không phải do chính quyền địa phương can thiệp vào. Đó là những mâu thuẫn phát sinh trong các gia đình, dòng tộc khi có người trong gia đình, họ hàng theo đạo. Mâu thuẫn đó có thể về đất đai, tài sản. Những người bên ngoài không hiểu, tưởng là do chính quyền bắt ép, gây khó dễ cho bà con theo đạo.

Tuy nhiên, tôi cũng công nhận rằng, có trường hợp do cán bộ địa phương không hiểu về các tôn giáo đó, nên khi thấy bà con địa phương đọc Kinh thánh hoặc tổ chức hành lễ thì đã ít nhiều gây khó dễ cho bà con. Để cho một chính sách về tôn giáo xuống được với đồng bào dân tộc thì cần có một quá trình vận động, giáo dục cho bà con hiểu. Lúc đó chính sách mới thực hiện một cách đầy đủ được.

- Đài BBC (Anh): Liệu Chính phủ Việt Nam có cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được về hoạt động trong nước? Chúng tôi được biết, Chính phủ Hoa Kỳ đang cân nhắc việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước có vi phạm về tôn giáo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề về Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là một vấn đề có tính lịch sử. Sau 1975, đất nước Việt Nam được thống nhất giữa 2 miền Nam, Bắc. Lúc bấy giờ, các tôn giáo cũng có nguyện vọng thống nhất thành một, trong đó có Phật giáo. Nguyện vọng đó đã được Nhà nước Việt Nam ủng hộ.

Phật giáo đã dành 2 năm 1980 và 1981 bàn bạc, thực hiện cuộc vận động lớn để thống nhất được các tổ chức Phật giáo ở 2 miền Nam, Bắc. Đây cũng là vấn đề mà Phật giáo đã tính đến, bàn bạc từ những năm 30 của thế kỷ 20, nhưng chưa làm được vì hoàn cảnh đất nước bị chia cắt.

Các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ như Hòa thượng Thích Trí Thủ và một số vị khác hiện nay đang còn sống đã tiếp xúc, gặp gỡ, bàn bạc, vận động 9 tổ chức và hệ phái Phật giáo, như: Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất ở miền Nam, rồi Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam…

Cuối cùng, đã có một đại hội đầu tiên, từ ngày 4 đến 7-11-1981 để thống nhất lại và thống nhất thành một tổ chức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay. Như vậy, về mặt lịch sử chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã nằm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.

Về mặt pháp lý, Nhà nước đã công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện cho tăng ni, phật tử trong và ngoài nước. Vì vậy, không thể nói rằng, còn một Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tồn tại ở Việt Nam nữa!

Hiện nay có một số vị bảo là đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và muốn khôi phục lại hoạt động Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất, thì theo thông bạch của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những vị này không hề đại diện cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất trước đây đã tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó chỉ là một số cá nhân mà thôi. Những vị trưởng phượng trước đây của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất đã đồng ý và tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam rồi.

Mặt khác, các vị đó lại được đại hội ở nước ngoài phong là tăng thống, là viện hóa đạo, vậy nếu chấp nhận cái đó thì họ là người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở hải ngoại, chứ không phải là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở trong nước. Nếu họ muốn hoạt động ở Việt Nam thì họ phải theo luật pháp của Việt Nam, phải xin phép Nhà nước, chứ không thể hoạt động tùy tiện được. Tôi khẳng định rằng, trên thực tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất kể cả truyền thống và hiện tại đều đã nằm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đối với vấn đề Mỹ cân nhắc rút Việt Nam ra khỏi danh sách những nước có vấn đề về tôn giáo, chúng tôi cũng đã biết thông tin. Chúng tôi đã tiếp cận đại sứ Mỹ ở Việt Nam là ngài Michael Marine và được biết, vấn đề này đang được chuẩn bị để đưa ra trước các cơ quan có thẩm quyền, xem xét việc rút Việt Nam ra khỏi danh sách đó. Nếu việc này diễn ra trước khi Tổng thống G.Bush sang thăm Việt Nam và Việt Nam gia nhập vào WTO thì tốt.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nói thêm rằng, chính các vị như ngài Michael Marine, khi làm việc ở Việt Nam và khi báo cáo về vấn đề tự do, nhân quyền, tôn giáo đều đã nhận xét về tính hiện thực và những chuyển biến ngày càng tốt của chính sách bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Hiện nay công việc mà chúng tôi đang làm là thực hiện nhất quán những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chúng tôi về vấn đề tôn giáo chứ không phải là vì áp lực đó mới làm thế này. Đây là một chính sách nhất quán, xuyên suốt từ trước đến nay. Chúng tôi phải làm để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân Việt Nam. Đó là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

LƯU THẢO - TUẤN QUÂN
 

Tin cùng chuyên mục