Chính thức triển khai dự án Bữa ăn học đường cho học sinh tiểu học toàn quốc thông qua phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ra Quyết định số 196/QĐ-BGDĐT, về việc phê duyệt phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”. Theo quyết định này, phần mềm sẽ được áp dụng đối với các trường có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn quốc nhằm đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại nhà trường.

Phần mềm được cung cấp hoàn toàn miễn phí trên website của dự án: www.buaanhocduong.com.vn, mỗi trường tiểu học bán trú đăng ký một tài khoản để sử dụng đầy đủ các chức năng trong phần mềm. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Công văn số 576/BGDĐT-CTHSSV ngày 16/2/2017 để hướng dẫn và lên kế hoạch triển khai phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” đến các Sở GD-ĐT trên cả nước.

Theo đó, từ tháng 2/2017, Sở GD-ĐT ban hành công văn chỉ đạo và hướng dẫn kế hoạch triển khai cụ thể đến các phòng GD-ĐT và các trường tiểu học, phân công 1 cán bộ có chuyên môn phù hợp tại mỗi sở, mỗi phòng, mỗi trường… để theo dõi, đôn đốc và báo cáo quá trình áp dụng phần mềm. Các phòng GD-ĐT trên địa bàn có nhiệm vụ ban hành công văn đến các trường tiểu học bán trú trên địa bàn, đôn đốc về kế hoạch triển khai cụ thể. Từ tháng 2/2017 đến 3/2017, các trường tiểu học bán trú sẽ áp dụng phần mềm để xây dựng thực đơn bữa ăn bán trú cho các học sinh, phối hợp với cha mẹ học sinh để cùng khuyến khích, động viên các em sử dụng bữa ăn theo các thực đơn được cung cấp từ phần mềm.

Giao diện website dự án Bữa ăn học đường

Tiên phong triển khai quyết định của Bộ GD-ĐT, sau khi phần mềm được phê duyệt, Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn đã lên kế hoạch 147/KH-SGDĐT ngày 24/1/2017 để triển khai phần mềm cho các trường tiểu học bán trú. Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng ban hành Công văn số 415/GDĐT-HSSV ngày 15/02/2017 về việc áp dụng phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” tại các đơn vị trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, một số tỉnh thành lớn trên cả nước cũng từng bước triển khai hoạt động này; cụ thể là các tỉnh Cao Bằng, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng…

Được biết, đây là phần mềm thuộc dự án bữa ăn học đường được khởi xướng từ năm 2012, do Công ty Ajinomoto Việt Nam phát triển, với sự tư vấn chuyên môn của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế và sự phối hợp triển khai của Bộ GD-ĐT, với mục tiêu là “thực hiện trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, nuôi dưỡng và đào tạo thế hệ tương lai của đất nước bằng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho học sinh tiểu học”.

Năm 2012, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đề xuất với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh về kế hoạch thực hiện dự án. Dự án tại TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ thể hiện bằng việc xây dựng mô hình mẫu bếp ăn bán trú tại Trường tiểu học Trưng Trắc (quận 11) cho các trường tham quan, học tập và áp dụng. Dự án bữa ăn học đường đã tiếp tục được nhân rộng ra các thành phố lớn là Đà Nẵng và Hải Phòng cùng với sự phối hợp tích cực của Sở GD-ĐT tại các địa phương này.

Sau những bước tìm hiểu, đánh giá thực tế hiệu quả thực hiện dự án, Bộ GD-ĐT đã triển khai những cuộc họp quan trọng nhằm lên kế hoạch triển khai, lấy ý kiến của nhiều Sở GD-ĐT địa phương, cũng như các sở ban ngành có liên quan; thành lập Hội đồng thẩm định phần mềm. Từ những cơ sở đó, Bộ GD-ĐT quyết định đồng hành cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam và Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế để triển khai dự án bữa ăn học đường trên quy mô toàn quốc thông qua phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

PHƯƠNG UYÊN

Tin cùng chuyên mục