Hộ cận nghèo ở TPHCM được vay tối đa 50 triệu đồng

- Phóng viên:
Hộ cận nghèo ở TPHCM được vay tối đa 50 triệu đồng

Hộ cận nghèo là những hộ vừa thoát nghèo hoặc “chuẩn bị nghèo”. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều hộ cận nghèo dễ quay lại hộ nghèo. Cái ranh giới mong manh đó làm cho công tác giảm hộ nghèo, tăng hộ khá của TPHCM nhiều lúc trở nên thiếu bền vững. Vậy TPHCM có những chính sách nào hỗ trợ hộ cận nghèo, người cận nghèo? Làm thế nào để các hộ này ổn định cuộc sống? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có trao đổi với ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM.

Hộ cận nghèo ở TPHCM được vay tối đa 50 triệu đồng ảnh 1

Được sự hỗ trợ của TP, chị Võ Thị Thanh Nga (bìa phải, ngụ quận Phú Nhuận) làm hoa vải đã vượt cận nghèo, trở thành hộ khá.

- Phóng viên: Thưa đồng chí, có nơi, có lúc còn tình trạng người dân thích nằm trong diện hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Phải chăng ở trong diện cận nghèo thì người dân không còn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi?

>> Ông NGUYỄN VĂN XÊ: Tính đến 31-10, TPHCM có gần 59.000 hộ cận nghèo (có mức thu nhập trên 16 đến 21 triệu đồng/người/năm), chiếm tỷ lệ 3%/tổng số hộ dân TP.

Nhằm giúp các hộ có điều kiện làm ăn, học tập, chăm sóc sức khỏe, TP đã thiết kế hàng loạt chính sách đối với diện cận nghèo. Trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, ngân sách TP hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế, người cận nghèo đóng góp 30% còn lại. Người cận nghèo khi khám chữa bệnh có chi phí cao hơn 15% mức lương cơ sở (172.500 đồng) thì phải đồng chi trả 20%; riêng thành viên hộ cận nghèo đang chạy thận nhân tạo được ngân sách thành phố hỗ trợ 15% chi phí đồng chi trả tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP, người cận nghèo chỉ đóng 5% chi phí đồng chi trả. Nhiều chính sách rất nhân văn, tâm lý như: Hỗ trợ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời cho hộ cận nghèo. Trong đó, ngân sách TP hỗ trợ 50% chi phí cho khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh cho bà mẹ mang thai; sàng lọc sơ sinh.

Với quan điểm hỗ trợ đa chiều, con em hộ cận nghèo còn được hưởng sự hỗ trợ về giáo dục. TP giảm 50% học phí (kể cả học buổi hai) cho học sinh là thành viên hộ cận nghèo đang theo học tại các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên; từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở, luôn được phường-xã xem xét (bình nghị trong dân) và vận động quỹ “Vì người nghèo” chi xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, hộ cận nghèo được vay vốn để tự sửa chữa nhà. Bên cạnh đó, hộ cận nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí tại các cơ sở, trung tâm trợ giúp pháp lý quận-huyện; khi “trăm tuổi”, người cận nghèo cũng được TP hỗ trợ chi phí hỏa táng…

 

* Hộ vượt chuẩn cận nghèo giai đoạn 2014 - 2015 (có thu nhập bình quân trên 21 triệu đồng/người/năm) được tiếp tục vay vốn từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo để tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, ổn định thu nhập. Mức vốn vay tùy theo phương án làm ăn và mức vốn tối đa 50 triệu đồng/hộ; thời gian vay vốn theo phương án làm ăn, tối đa là 2 năm (24 tháng), lãi suất 0,5%/tháng.

 

- Vấn đề cơ bản nhất, luôn được các hộ cận nghèo quan tâm là việc làm, vay vốn tự tạo việc làm. Vậy cơ hội của người cận nghèo ở đây là gì?

Ở TPHCM, người cận nghèo được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu giải quyết việc làm miễn phí. Khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động), lao động trong diện hộ cận nghèo được vay vốn, tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng mà không cần phải thế chấp. Trong cuộc sống, người cận nghèo có rất nhiều cơ hội, được vay vốn từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo cho các nhu cầu: sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cải thiện chăm sóc sức khỏe; cải thiện nghề nghiệp, giải quyết việc làm; cải thiện nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường. Mức vay tùy vào nhu cầu và mục đích hộ cận nghèo, tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn từ các nguồn quỹ Quốc gia về việc làm, các nguồn quỹ tín dụng nhỏ của các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt, UBND TP vừa thông qua đề án “Cho vay hộ cận nghèo của TPHCM phát triển kinh tế”. Đề án này đang trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; nội dung đề án chưa được thực hiện và chúng tôi sẽ thông tin cụ thể khi được thông qua.

- Cùng với cho vay vốn, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM có sự quan tâm như thế nào để giúp người cận nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, không để thất thoát vốn?

Tôi thấy mục đích vay vốn của hộ cận nghèo tại những quận nội thành chủ yếu là kinh doanh buôn bán nhỏ, dịch vụ; những quận ven và ngoại thành chủ yếu để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ…

Nhằm giúp người nghèo sử dụng đồng vốn hiệu quả, không để thất thoát vốn, ngay ở cơ sở, Ban Giảm nghèo, tăng hộ khá phường - xã phải chú trọng công tác tư vấn, định hướng cho hộ cận nghèo xây dựng phương án làm ăn (kinh doanh, sản xuất, dịch vụ) theo điều kiện và khả năng của hộ, giúp hộ phát triển sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Địa phương cũng chú trọng học hỏi, phát triển các mô hình làm ăn có hiệu quả tại các địa phương bạn để tổ chức áp dụng cho hộ cận nghèo; gắn tư vấn định hướng cho hộ cận nghèo làm ăn với các chương trình liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế…

MẠNH HÒA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục