Chính sách xã hội đối với công nhân

Những năm qua, hệ thống chính sách xã hội ở nước ta đã cơ bản giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân. Tuy nhiên, chính sách xã hội đối với công nhân mới chủ yếu tập trung vào đối tượng công nhân thuộc khu vực kinh tế nhà nước, còn ở khu vực kinh tế dân doanh, công nhân ở đây chưa được hưởng nhiều chính sách trên lĩnh vực xã hội, trong khi nhu cầu của họ ngày càng lớn và cấp bách.

Kết quả khảo sát ở các địa phương và doanh nghiệp cho thấy, nhiều nơi chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa phúc lợi xã hội với bảo đảm ổn định xã hội, đặc biệt với việc bảo đảm phát triển về mặt xã hội cho công nhân. Tại các khu công nghiệp, còn thiếu rất nhiều các hình thức phục vụ cộng đồng về ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí công cộng. Do vậy, nếu Nhà nước và doanh nghiệp hợp lực xây dựng các nhà dưỡng lão, khu vui chơi giải trí cho người lao động ở các địa phương thì sẽ rất có lợi cả về vật chất và tinh thần cho xã hội, từ đó hạn chế tình trạng tiêu cực trong xã hội.

Để hệ thống bảo hiểm xã hội đến với công nhân ở khu vực kinh tế dân doanh, Nhà nước cần thể chế hóa, đa dạng hóa nguồn tài chính và xã hội hóa các hình thức quản lý phù hợp với mỗi dạng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Ngoài ra, công tác cứu trợ xã hội cần phải hướng đúng vào từng đối tượng công nhân ngoài khu vực Nhà nước, cần thiết hình thành khung cứu trợ và có biện pháp cứu trợ xã hội cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chế độ phục vụ xã hội đáp ứng được phúc lợi xã hội cho công nhân.

Về nguyên tắc, phúc lợi xã hội đối với công nhân luôn biến đổi theo chiều hướng tăng lên cả về lượng và chất. Vì thế, phải luôn có nhận thức mới về chính sách xã hội đối với công nhân cho phù hợp với thực tế, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung, đổi mới việc xây dựng, phát triển mạng lưới bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội và phục vụ xã hội cho công nhân.

Trong tình hình hiện nay, cần thiết phải tăng cường việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, địa phương. Các doanh nghiệp và địa phương đều có tiềm năng, thế mạnh riêng trong việc bảo đảm xã hội nhằm mang lại phúc lợi xã hội cho công nhân thuộc tất cả các khu vực kinh tế. Thời gian qua, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh này chưa được chú ý đúng mức. Nên yêu cầu đặt ra là cần có chính sách khai thác thế mạnh của các doanh nghiệp lớn, các địa phương để đẩy mạnh công tác tổ chức chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự hoạt động năng động của các tổ chức xã hội tại doanh nghiệp, tại địa phương nhằm khai thác đúng và trúng tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, các địa phương. Thông qua đó cũng góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách của địa phương và nâng cao trình độ bảo đảm xã hội tại địa phương.

NGÔ THỊ BÍCH LOAN (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục