Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển

Chiều 10-6, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Nguyễn Đức Hiền cho biết, tại kỳ họp thứ 6, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.195 kiến nghị. Đến nay nhiều kiến nghị của cử tri đã được quan tâm, giải quyết.

Chiều 10-6, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Nguyễn Đức Hiền cho biết, tại kỳ họp thứ 6, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.195 kiến nghị. Đến nay nhiều kiến nghị của cử tri đã được quan tâm, giải quyết.

Hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ tại Quảng Ngãi và chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, với mức lãi suất cho vay thấp nhất theo quy định.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã quyết định dành khoản ngân sách 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Đã bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền, trong đó có tàu vỏ thép có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, với lãi suất 3% - 5%/năm.

Trong đó, ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới được vay tối đa 90% tổng số vốn, thời hạn vay 10 năm; đóng tàu vỏ gỗ, với mức cho vay 70% tổng giá trị vốn đầu tư. Ngư dân sử dụng tàu khai thác được cấp vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm và 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ...

Qua thực tế giải quyết kiến nghị của cử tri, UBTVQH đề nghị Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục quan tâm, có giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất và đời sống của ngư dân vùng biển đảo. Theo đó, cần tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu, tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn; xây dựng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư vững mạnh.

Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng biển, đảo, nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần của ngư dân, góp phần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vẫn chưa sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu

Về quản lý, kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, thực hiện chủ trương “giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, liên Bộ Tài chính - Công thương đã theo dõi, bám sát giá thị trường thế giới và chỉ đạo sát sao việc tăng, giảm giá xăng dầu, nhằm kiềm chế tăng giá bất thường.

Trong năm 2013, đã có 8 đợt điều chỉnh giá xăng dầu, bảo đảm bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới; thực hiện giám sát, kiểm tra và áp dụng các công cụ điều tiết khi cần thiết để bình ổn giá, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được ban hành từ năm 2009. Trong khi đó, theo quy định của Luật Giá, thì việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, nhưng đến nay (sau 3 năm) Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định thay thế nghị định trên.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, bảo đảm việc kinh doanh xăng dầu, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của Luật Giá, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tế.

Thu nhập của nông dân còn thấp

Về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri về giải quyết khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm cho người nông dân sản xuất có lãi trên 30%, theo ông Nguyễn Đức Hiền, bằng nhiều chính sách, năm 2013 thu nhập bình quân của người dân nông thôn tại một số địa phương ước đạt 19,97 triệu đồng, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008 (loại trừ yếu tố trượt giá thì thu nhập của người dân nông thôn năm 2013 tăng 36% so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 6,4%).

Tuy nhiên, việc bảo đảm cho người nông dân sản xuất lúa có lãi mới chỉ đạt được ở một số địa phương và không đồng đều giữa các địa phương khác nhau. Theo số liệu tổng hợp của 21 tỉnh thành cho thấy, có tới trên 42% số địa phương người nông dân sản xuất lúa có lãi dưới 30%, có địa phương chỉ lãi trên 10% và cũng còn địa phương người nông dân sản xuất lúa chưa có lãi. Có ý kiến cho rằng, người nông dân nói chung ít được hưởng lợi, mà thương lái trung gian mới là đối tượng được hưởng nhiều từ chính sách này.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục có các giải pháp giải quyết khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo để người nông dân sản xuất lúa có lãi.

LÂM NGUYÊN

- Đóng tàu cá vỏ sắt

Tin cùng chuyên mục