Lãnh lương hưu, làm sao cho lợi?

* Tôi 59 tuổi, đã đóng BHXH hơn 30 năm. Công ty cũ đã giải thể. Tôi đã cầm sổ BHXH. Giờ tôi có thể lãnh luôn lương hưu được không, hay phải đợi 60 tuổi; như thế nào thì có lợi hơn? (Trần Đình Đức, quận 12, TPHCM)

- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Theo quy định, người lao động có thời gian đóng BHXH đủ từ 20 năm trở lên, trong thời gian làm việc không có yếu tố nặng nhọc hoặc độc hại mà đã nghỉ việc thì được hưởng chế độ hưu trí khi đủ 60 tuổi (nam) hoặc 55 tuổi (nữ). Ông mới 59 tuổi, nếu không làm trong môi trường nặng nhọc, độc hại mà muốn hưởng lương hưu ngay thì trước hết phải giám định khả năng lao động. Nếu bị suy giảm 61% trở lên mới được hưởng chế độ hưu trí ngay. Mỗi năm nghỉ sớm bị giảm tỷ lệ hưởng là 1%, với ông sẽ là 75% - 1% = 74%. Nếu không bị suy giảm, ông phải chờ đến khi đủ 60 tuổi. Căn cứ tỷ lệ hưởng (giữa hai phương án), ông có thể tự so sánh, quyết định.

Mời ông mang theo sổ BHXH, CMND và sổ hộ khẩu, đến cơ quan BHXH TPHCM để được hướng dẫn thủ tục giám định sức khỏe. Trường hợp không có nhu cầu giám định khả năng lao động thì 1 tháng trước ngày đủ 60 tuổi, ông mang hồ sơ (như trên) đến làm thủ tục hưu trí.

* Tôi gần 60 tuổi, sắp nghỉ làm việc và có 15 năm tham gia BHXH. Vậy, tôi có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho 5 năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu (20 năm đóng BHXH) không? (Trần Tấn Tài, huyện Nhà Bè, TPHCM)

- Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 190/NĐ-CP ngày 28-12-2007, người lao động nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định (kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần), có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 2 Điều 87 Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 có quy định, người lao động đóng BHXH tự nguyện được lựa chọn đóng một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng, hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hàng tháng. Về nguyện vọng của ông, từ ngày 1-1-2016 mới có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Khi có, BHXH TPHCM sẽ thông báo rộng rãi để người lao động biết.

* Tôi bị tai nạn lao động (TNLĐ) thương tật 61%, được lãnh trợ cấp thường xuyên. Cuối năm 2012, công ty tôi phải di dời do ô nhiễm môi trường, tôi được cho nghỉ việc và lãnh lương hưu. Đầu năm 2015, tăng lương tối thiểu 8%. Lương hưu của tôi được tăng 8%, riêng chế độ TNLĐ không tăng. Việc giải quyết như vậy có đúng không; theo điều khoản nào? Nếu chỉ tăng 1 trong 2 chế độ sẽ thiệt thòi cho người lao động, mong xét lại. (vietlong090@...com)

- Nghị định 09/2015/NĐ-CP ngày 22-1-2015 của Chính phủ và Thông tư số 05/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2-2-2015 của Bộ LĐTB-XH quy định đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng (tăng 8%) bao gồm: Người đang hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động hàng tháng trước ngày 1-1-2015; cán bộ xã đã nghỉ hưởng trợ cấp hàng tháng trước ngày 1-1-2015.

Như thế, trợ cấp TNLĐ hàng tháng không được điều chỉnh tăng lần này. Do vậy, phần trợ cấp TNLĐ của ông không được tăng 8% như lương hưu và mức ông đang hưởng là đúng.

Xin lưu ý là đợt tăng lương hưu đầu năm 2015 không phải do tăng lương tối thiểu chung (hiện nay gọi là lương cơ sở). Thông thường, khi lương cơ sở tăng thì trợ cấp TNLĐ cũng tăng tương ứng.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về: Ban Chính trị - Xã hội,

Báo SGGP, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM;

điện thoại 0914 446618 hoặc email: duongloan@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục