Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho giáo viên mầm non công tác trước năm 1995

(SGGP).- Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2015 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được và những kinh nghiệm tốt trong chỉ đạo điều hành, ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm 2016 ngay từ những ngày đầu năm; phối hợp tổ chức tốt công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Đáng chú ý, tại nghị quyết này, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ LĐTB-XH, cho phép áp dụng Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2016-2019. Chính phủ cũng giao Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Trong đó quy định về điều kiện đối với chuyên gia là người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo hướng: có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chính phủ cũng quyết định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho giáo viên mầm non công tác trước năm 1995, giao Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời hạn công tác trước năm 1995 theo trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để triển khai thực hiện trong tháng 1-2016.

Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; các doanh nghiệp sau khi được cơ cấu nợ phải có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh. Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines và các công ty thành viên xây dựng phương án tổng thể về chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và tính khả thi của phương án tái cơ cấu nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục