Bệnh binh làm cán bộ xã, tính BHXH ra sao?

* Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM:

* Tôi là bệnh binh, về sinh hoạt tại địa phương. Từ tháng 1-1989 đến tháng 5-2004, tôi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, rồi Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ phường 14, quận 10. Lúc  nghỉ, tôi không nhận được chế độ gì? Tôi công tác chủ chốt tại địa phương từ năm 1989 - 2004, vậy có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) không; tại sao? (NGUYỄN THƯ DUNG, quận 10, TPHCM).

* Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Thứ nhất, về giai đoạn giữ chức danh từ tháng 1-1998 đến tháng 5-2004, đối tượng cán bộ cấp xã giữ chức danh được quy định tại Nghị định 09/1998 thuộc đối tượng tham gia BHXH, phải đóng BHXH để được tính hưởng BHXH. Tuy nhiên, những người là công nhân viên chức nhà nước, quân nhân trong lực lượng vũ trang đã nghỉ việc, đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, nếu tham gia công tác ở xã thuộc các chức danh và hưởng sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998 thì không thuộc đối tượng thực hiện BHXH đối với cán bộ xã.

Đến năm 2004, Thông tư Liên tịch số 34/2004 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2003 cũng quy định: “Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, bệnh binh hạng 1 và hạng 2, được hưởng 100% mức lương theo chức danh của Nghị định 121, không phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, khi nghỉ việc không được tính hưởng BHXH”. 

Vì thế, trong thời gian từ năm 1998-2004, tuy bà giữ các chức danh thuộc Nghị định 09/1998 và Nghị định 121/2003 nhưng do là đối tượng hưởng trợ cấp mất sức quân đội (bệnh binh hạng 2) hàng tháng nên không thuộc diện đóng BHXH và tính thời gian công tác hưởng BHXH. 

Thứ hai, về giai đoạn giữ chức danh trước đó, từ tháng 1-1989 đến tháng 12-1997, Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 8-11-2012 của Thủ tướng về giải quyết chế độ, chính sách đối với những người làm chuyên trách công tác Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở phường, xã, thị trấn thuộc TPHCM khi thực hiện thí điểm theo Quyết định số 94-HĐBT ngày 26-9-1981 (trong thời gian từ tháng 1-1981 đến tháng 12-1997) quy định: “Đối với những người sau thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1-1-1998 mà có thời gian làm công việc thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc thì thời gian giữ chức danh chuyên trách ở cấp xã trong thời gian thực hiện thí điểm được tính cộng nối với thời gian đã đóng BHXH trong giai đoạn từ ngày 1-1-1998 đến nay để tính hưởng chế độ BHXH”.

Như vậy, do từ tháng 1-1998 về sau, bà không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc nên thời gian giữ chức danh từ tháng 1-1989 đến tháng 12-1997 không được tính cộng nối để hưởng chế độ BHXH.

* Tôi đã nghỉ hưu năm 2011. Từ năm 2012-2016, tôi ký hợp đồng làm cho một công ty. Khi hết hợp đồng, tôi được công ty trả các khoản tiền nào về BHXH? (NGUYỄN MẠNH ĐIỀN, TPHCM)

* Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Bộ luật Lao động không phân biệt trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc của người sử dụng lao động đối với người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên đã, hoặc chưa nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Như vậy, ông đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí mà làm việc từ đủ 12 tháng trở lên theo hợp đồng lao động, khi chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết trợ cấp thôi việc cho ông.

Cũng xin trao đổi thêm với ông, ông đã nghỉ hưu nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

* Tháng 8-1985, tôi được tuyển vào làm trong công ty nhà nước. Từ năm 1989, tôi xin nghỉ không lương. Đầu năm 1990, tôi trở lại làm việc đến nay. Vậy thời gian công tác trước khi tôi xin nghỉ không lương (1985-1989) có được cộng nối với thời gian làm việc hiện nay không? (một bạn đọc ở quận 7, TPHCM)

* Theo quy định, thời gian công tác trong cơ quan, đơn vị nhà nước trước tháng 1-1995 được tính là thời gian công tác hưởng BHXH trên cơ sở các hồ sơ, giấy tờ gốc có liên quan của người lao động chứng minh quá trình làm việc và hưởng lương liên tục đến ngày 1-1-1995. Trường hợp xin thôi việc hoặc tự ý bỏ việc thì thời gian công tác được tính kể từ khi trở lại làm việc.

Trường hợp ông được tính hưởng BHXH từ tháng 3-1990. Hồ sơ của ông không có quyết định (hoặc thông báo) cho nghỉ không lương và quyết định (hoặc thông báo) tiếp nhận, bố trí lại của đơn vị theo đúng như quy định đối với trường hợp người lao động trong biên chế tạm nghỉ việc riêng nên chúng tôi không có cơ sở pháp lý để xem xét thời gian công tác hưởng BHXH đối với thời gian trước tháng 3-1990.

Tin cùng chuyên mục