Hưu non, hưu chờ… hưởng lương hưu ra sao?

* Tôi có 9 năm trong quân đội, 8 năm làm việc ở ngành cao su. Năm 1992, tôi (35 tuổi) nghỉ hưu non và được hưởng trợ cấp trong 10 năm. Từ 45 tuổi đến gần 60 tuổi, tôi không hưởng gì. Vậy khi 60 tuổi, tôi có được lãnh lương hưu? (PHẠM XUÂN QUÁN, quận Gò Vấp, TPHCM)

- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6-5-2010 quy định trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với người hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động, không thuộc diện được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng mà có thời gian công tác thực tế từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.

Khi ông đủ 60 tuổi, nếu có thời gian công tác thực tế từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613. Ông cần nộp đơn cho BHXH tỉnh Bình Dương - nơi ông dừng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng trước đây, để được giải quyết.

* Ngày 30-9-2005, tôi nghỉ hưu chờ theo Nghị định 41/2002 quy định tuổi nghỉ chế độ hưu chờ nam từ 55 đến dưới 60. Tháng 4-2007, tôi tròn 55 tuổi và đi làm chính sách hưu trí nhưng BHXH lại yêu cầu tôi giám định y khoa, rồi trừ mức hưởng lương hưu của tôi 5% nên tôi chỉ còn 70%. Đáng lẽ, BHXH TPHCM phải vận dụng Nghị định 41/2002 và tỷ lệ lương hưu của tôi là 75%, vì tôi có 35,5 năm công tác và nghỉ hưu chờ ở thời điểm Nghị định 41/2002 đang có hiệu lực? Hơn nữa, sinh cùng năm, cùng làm, cùng nghỉ với tôi có ông Đ.V.T. ở quận Thủ Đức, được hưởng lương hưu 75%.
(ĐINH XUÂN THỊNH, quận 5, TPHCM)

* Nghị định số 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, quy định người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, đóng BHXH đủ 20 năm trở lên được nghỉ hưu, nhưng không trừ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Nghị định này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2005. Năm 2007 ông mới đủ 55 tuổi, nên không được áp dụng Nghị định 41/2002 để giải quyết nghỉ hưu trước tuổi nữa, do nghị định hết hiệu lực.

Về trường hợp ông Đ.V.T, căn cứ hồ sơ hưu trí chúng tôi quản lý thì ông ấy có quá trình đóng BHXH 34 năm 10 tháng, nghỉ hưu từ ngày 1-6-2007, tỷ lệ lương hưu là 70%. Ông T. cũng giám định y khoa và bị trừ 5% do nghỉ hưu trước tuổi; hai người không khác nhau.
* Tháng 12-2011, tôi (lúc đó 49 tuổi, đã đóng BHXH 30 năm) được nghỉ theo Nghị định 132/2007. Khi nghỉ, tôi được thông tin là nam đủ 55 tuổi, đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên là được hưởng lương hưu. Đến tháng 9-2017, tôi đúng 55 tuổi, vậy chuyện hưu trí do nghỉ việc theo Nghị định 132 của tôi như thế nào? (NGUYỄN HỮU ĐỨC, quận 6, TPHCM)

- Nghị định số 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế quy định cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ, đóng BHXH đủ 20 năm trở lên được hưởng hưu trí không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nghị định này có hiệu lực hết ngày 31-12-2011.

Đến năm 2017 ông mới đủ 55 tuổi nên không được áp dụng Nghị định số 132 để giải quyết nghỉ hưu trước tuổi do nghị định hết hiệu lực. Để được giải quyết hưu trí thì ông hoặc là chờ đủ 60 tuổi, hoặc là cần giám định suy giảm khả năng lao động - nếu bị suy giảm từ 61% trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí ngay. Tuy nhiên, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc điện thoại 091 444 6618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục