Vừa nghỉ hưu, vừa nhận trợ cấp một lần

* Tôi 58 tuổi, đang làm trong ngành hàng không, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 39 năm. 2 năm nữa tôi đến tuổi nghỉ hưu nhưng tôi muốn nghỉ vào cuối năm nay. Trước đó, tôi có 18 năm làm ở công ty thủy sản, thuộc diện lao động nặng nhọc, độc hại. Vậy cuối năm nay tôi nghỉ được không? 30 năm đóng BHXH thì hưởng mức lương hưu tối đa 75%, trường hợp của tôi “thừa” 9 năm thì được hưởng ra sao? (PHAN VĂN BẰNG, quận Tân Bình, TPHCM).

* Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được hưởng lương hưu. Năm nay ông đủ điều kiện được giải quyết hưởng lương hưu, không cần phải đi giám định sức khỏe.

Về tỷ lệ phần trăm lương hưu, trước ngày 1-1-2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH (năm 2018, phải 16 năm đóng BHXH mới hưởng tương ứng 45%), sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Để hưởng tối đa 75% thì nam phải đóng BHXH đủ 30 năm; còn số năm dư ra sẽ được tính hưởng trợ cấp một lần, mỗi năm bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Với ông, cùng với lương hưu thì từ năm đóng BHXH thứ 31 trở đi, ông được trợ cấp 1 lần, tổng trợ cấp 1 lần bằng 4,5 tháng lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu.

* Tôi năm nay 82 tuổi, có 41 năm 9 tháng đóng BHXH. Ngày 1-3-1994, tôi làm đơn xin nghỉ hưu. Ngày 31-12-1994, Bộ Thủy sản ra quyết định số 1000 QĐ/TCCB-LĐ xếp chuyển lương mới cho tôi nghỉ hưu, mức lương mới được thực hiện kể từ ngày 1-4-1993. Ngày 28-7-1995, bộ này ra quyết định số 608TS/QĐ giải quyết chế độ hưu trí cho tôi hưởng theo Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995, tỷ lệ lương hưu tối đa 75%. Sau đó, BHXH TPHCM cũng ra quyết định cho tôi hưởng tỷ lệ trên. Thưa ông, quyết định xếp lương mới cho tôi hưởng khi nghỉ hưu được thực hiện từ ngày 1-4-1993, nghĩa là thủ tục nghỉ hưu của tôi đã hoàn tất trước khi Nghị định 12/CP ra đời. Tại sao tôi không được hưởng hưu trí theo Nghị định 236/HĐBT ngày 18-9-1985? (CAO TRỌNG HÙNG, quận 2, TPHCM)

* Theo như trình bày, ngày 28-7-1995, Bộ Thủy sản mới ra Quyết định số 608TS/QĐ giải quyết chế độ hưu trí cho ông. Mặt khác, căn cứ hồ sơ chúng tôi đang lưu trữ, ông công tác liên tục và đóng BHXH đến ngày 31-7-1995.

Trong khi đó, điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP có hiệu lực kể từ ngày 1-1-1995. Ông nghỉ hưu theo Quyết định 608TS/QĐ nên chế độ hưu trí của ông được giải quyết theo quy định của Nghị định số 12/CP là đúng quy định. Cần giải thích cho ông rõ thêm là Quyết định số 1000QĐ/TCCB-LĐ của Bộ Thủy sản là quyết định chuyển xếp lương mới cho ông, thời điểm hưởng lương mới kể từ ngày 1-4-1993, chứ không phải quyết định nghỉ hưu. Do đó, chế độ hưu trí của ông không thể giải quyết theo Nghị định 236/HĐBT như ông nêu.

* Tôi làm ở UBND phường 20, quận 11 (nay là phường 5, quận 11) từ tháng 3-1981 với chức danh Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ và từ tháng 4-1993 là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cho đến ngày về hưu 1-4-2014. Công tác 33 năm nhưng khi về hưu, tôi chỉ được tính BHXH 21 năm (từ năm 1993), lương hưu hiện chỉ 1.760.000 đồng/tháng. Thật buồn là sau 33 năm công tác, hưởng lương hưu như trên, tôi lại rơi vào diện nghèo. Tôi đề nghị ông xem xét thời gian từ 1981-1993 của tôi? (ĐỖ THỊ THU CÚC, quận 11, TPHCM)

* Theo Công văn số 1115/SNV-XDCQĐT ngày 22-7-2014 của Sở Nội vụ về thống nhất một số chức danh để cộng nối thời gian công tác cán bộ phường, xã, thị trấn theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 6-11-2012 của Thủ tướng thì chức danh hội phó phụ nữ được tính để cộng nối thời gian công tác. Tôi báo lại vậy cho bà mừng. Còn việc thẩm định để tính thời gian công tác do Sở Nội vụ TPHCM chịu trách nhiệm trên cơ sở hồ sơ do UBND các quận, huyện chuyển đến. Bà cần liên hệ UBND phường 5, nơi công tác trước đây hoặc Phòng Nội vụ quận 11 để được hướng dẫn làm hồ sơ.

Tin cùng chuyên mục