Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển:

Mục tiêu của chúng ta là dân chủ cho dân

Mục tiêu của chúng ta là dân chủ cho dân

Sáng 20-4, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã thu hút sự chú ý đặc biệt của Đại hội với bài phát biểu về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng các cấp ủy đang can thiệp quá sâu vào vào công việc chính quyền. Ngay sau giờ giải lao, phóng viên các báo đã phỏng vấn sâu thêm về những vấn đề ông đã đặt ra.

- Phóng viên:
Trên thực tế ở một số tổ chức Đảng, người ta lợi dụng sự lãnh đạo của Đảng để chuyên quyền độc đoán, làm mất tập trung dân chủ. Theo Bộ trưởng phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Mục tiêu của chúng ta là dân chủ cho dân ảnh 1
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển trả lời phỏng vấn các báo. Ảnh: TRẦN BÌNH

- BỘ TRƯỞNG TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN: Như tôi đã phát biểu, phải xử lý rất tốt mối quan hệ giữa dân chủ và tập trung. Việc dân chủ đặt trước, hay tập trung đặt trước không phải là vấn đề quan trọng nhất. Mà quan trọng nhất là hiểu cho được vị trí của khái niệm dân chủ và vị trí của khái niệm tập trung trong chế độ tập trung dân chủ. Ở đấy, dân chủ là điểm xuất phát.

Tư tưởng của một nhà nước pháp quyền trước hết phải là tư tưởng dân chủ. Dân chủ là mục tiêu, là động lực. Dân chủ là điểm xuất phát, đồng thời là đích đến. Tập trung không có vị trí ngang bằng dân chủ. Tập trung chỉ là nguyên tắc để giải quyết những ý kiến khác nhau trong một xã hội dân chủ. Vì dân chủ thì sẽ có nhiều ý kiến, mọi người được trình bày quan điểm, ý kiến của mình và những ý kiến, quan điểm đó có thể khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau.

Đó là mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, nội bộ nhân dân và nó phát sinh là chuyện bình thường. Đó là vì nhận thức khác nhau. Thậm chí là vì lợi ích khác nhau nên ý kiến khác nhau về một vấn đề. Đó là chuyện bình thường, chứ không phải mất đoàn kết. Và để giải quyết những cái khác nhau đó, chúng ta phải dựa vào một nguyên tắc, đó là dân chủ. Đó là thiểu số phải phục tùng đa số. Đấy là vấn đề cơ bản của nguyên tắc tập trung.

- Ông vừa là Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thương mại vừa là Bộ trưởng bộ này, ông có thể nói rõ hơn về sự tách biệt giữa tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền?

- Chúng ta phải xác định cho rõ về chức năng. Đó là Đảng lãnh đạo toàn xã hội. Nói là lãnh đạo toàn xã hội, nhưng lãnh đạo ở nội dung nào? Và nếu tập trung vào những nội dung đó thì có đảm bảo cả guồng máy của xã hội đi theo một hướng không? Vai trò lãnh đạo của Đảng trong kinh tế và xã hội là đảm bảo sự định hướng của phát triển. Muốn đảm bảo sự định hướng của sự phát triển này thì phải xử lý các mối quan hệ lớn. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai là Đảng phải thống lĩnh lực lượng vũ trang. Thứ ba, trong tình hình phức tạp hiện nay, Đảng không thể buông lơi công tác đối ngoại được, để đảm bảo một môi trường hòa bình, ổn định cho chúng ta phát triển. Và điều quan trọng nữa là Đảng phải lãnh đạo để xây dựng một đất nước dân chủ như Bác Hồ mong muốn. Tôi nghĩ lãnh đạo xây dựng một thiết chế dân chủ, một nhà nước pháp quyền cũng phải đặt với phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Mục tiêu của chúng ta là dân chủ cho dân!

- Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Tin cùng chuyên mục