Ngày làm việc thứ ba ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X

Hoàn thiện thiết chế dân chủ, kiên quyết chống tham nhũng

Hoàn thiện thiết chế dân chủ, kiên quyết chống tham nhũng

Trong ngày làm việc thứ ba, 20-4, dưới sự điều khiển của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng, ĐH Đảng lần thứ X đã tập trung thảo luận tại hội trường về những nội dung trong dự thảo các văn kiện trình ĐH Đảng.

  • Cần làm rõ vấn đề dân chủ và tập trung

Là người đầu tiên trong hai ngày thảo luận tại hội trường phát biểu “vo” không cần văn bản, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã làm cả hội trường Ba Đình nóng lên với cách nói hùng hồn đầy tâm huyết. Ông Tuyển khẳng định: Chúng ta đang rơi vào tình trạng nhiều trường hợp cấp ủy Đảng can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền! Điều đó làm mất vai trò, tính chủ động sáng tạo, tinh thần tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, làm cho các cấp ủy Đảng không có đủ thời gian để suy nghĩ, lãnh đạo những vấn đề cốt tử của đất nước.

Và vì thế dẫn đến tình trạng “thành tích thuộc về sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, còn khuyết điểm không ai nhận trách nhiệm!”. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: Đảng cần phải đổi mới trong nội dung lãnh đạo! Những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị đang đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại đội ngũ lãnh đạo của mình.

Hoàn thiện thiết chế dân chủ, kiên quyết chống tham nhũng ảnh 1
Các đại biểu nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội X. Ảnh: M.Đ.

Bàn về vấn đề dân chủ, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, dân chủ không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu.

Phát huy dân chủ sẽ phát huy được sáng kiến của mọi cá nhân, làm cho xã hội trở nên năng động hơn. “Chúng ta đều biết sáng kiến là của cá nhân. Cá nhân ấy có thể là ông nông dân, cũng có thể là một đồng chí lãnh đạo địa phương. Đảng chúng ta phải nắm lấy, tổng kết và hoàn thiện nó để hình thành đường lối. Khi chúng ta nói cách mạng là sự nghiệp quần chúng thì dẫn đến một logic là phát triển dân chủ trong nhân dân. Vì vậy, theo tôi cần làm rõ vấn đề dân chủ và tập trung” - Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phân tích.

Cũng theo ông, dân chủ tập trung hay tập trung dân chủ, điều này không quan trọng bằng việc xác định rõ nội dung vị trí từng cụm từ. “Dân chủ là điểm xuất phát vừa là đích đến, còn tập trung chỉ là để giải quyết các ý kiến khác nhau trong một xã hội dân chủ để bảo đảm dân chủ cho đa số”- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển bày tỏ. Dẫn ra việc Lênin rất quan tâm đến dân chủ, chú trọng sự sáng tạo của địa phương, tôn trọng tính phong phú đa dạng của hoạt động thực tiễn và phê phán lối gò ép khô cứng từ bên trên ban xuống, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, Đảng phải dành rất nhiều thời gian để hoàn thiện thiết chế dân chủ. “Chúng ta đã làm được một số việc theo hướng này nhưng chưa phải là ý thức thường trực của cơ quan Đảng. Phải biến xây dựng xã hội dân chủ thành lý tưởng của Đảng. Và đó là một nội dung có thể chuyển thành hiện thực trong xã hội chúng ta. Làm được như vậy, Đảng sẽ bớt quan liêu, gần dân hơn, nâng cao đời sống văn hóa và được dân tin yêu”- ông Tuyển tâm huyết.

Bổ sung thêm ý kiến của đại biểu Trương Đình Tuyển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ được Mác-Lênin đặt ra. Còn vận dụng, phát huy trong nhân dân là vấn đề khác, chứ không thể nhấn mạnh tập trung hay dân chủ trước hoặc sau. Trong Đảng hiện có tình trạng trên bảo dưới không nghe, trong hội nghị không nói gì, nhưng ra ngoài nói lung tung. Đó chính là không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Phát huy dân chủ trong Đảng, trong nhân dân là vấn đề không thể xem nhẹ.

  • Cán bộ, đảng viên suy thoái như thế nào?

Theo đại biểu Vũ Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay điều mà Bác Hồ cảnh báo “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” đã và đang diễn ra. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn diễn ra rất nghiêm trọng.

Theo ông Hùng, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện ở 5 điểm. Thứ nhất, suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên có xu hướng tăng cả về số lượng và phạm vi. Từ chỗ chỉ có “một bộ phận” thì nay đã diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ”, trong đó có cả cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống làm nảy sinh lãng phí, tham nhũng, nhũng nhiễu dân, trước kia diễn ra chủ yếu ở cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thì nay xảy ra ở trong tất cả các ngành, lĩnh vực với mức độ ngày càng tăng; nếu trước kia chủ yếu là “ăn cắp vặt”, “bớt xén” mang tính chất cá nhân đơn lẻ thì nay diễn ra với nhiều thủ đoạn, có tính “tổ chức” chặt chẽ, “móc nối” chằng chịt trên dưới, trong ngoài để trục lợi.

Thứ hai, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng và không chỉ có cán bộ đảng viên trẻ, mà còn biểu hiện ở cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là những cán bộ nắm quyền, nắm tiền và tài sản công, nắm cán bộ, nắm thông tin. Thứ ba, tình trạng nói nhiều, làm ít, nói nhưng không làm còn xảy ra ở không ít cán bộ, đảng viên. Thứ tư, bệnh quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật. Về điểm này, ông Hùng dẫn chứng: “Điển hình như trong vụ PMU 18, tham nhũng và tha hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên nghiêm trọng như vậy mà đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ GT-VT vẫn khẳng định: trước khi bị khởi tố, họ đều là đảng viên tốt”.

Theo ông Hùng, khẳng định như vậy “thì thật là quan liêu, vô chính trị, vô trách nhiệm, có thể nói là vô cảm, không thể chấp nhận được!”. Điểm thể hiện thứ năm của tình trạng suy thoái này, theo ông Hùng là tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu dân gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, làm thất thoát tài sản, tiền vốn của nhà nước, của nhân dân và sự hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. “Sự hư hỏng cán bộ đã dẫn đến gần 4 vạn đảng viên bị kỷ luật trong một nhiệm kỳ đại hội” – ông Hùng xót xa.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, có 3 nguyên nhân của tình trạng này. Trước hết là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, trong khi Đảng, nhà nước ta chưa lường hết tác động của nó nên lúng túng trong việc chuẩn bị tư tưởng, khả năng tự đề kháng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên chưa được tiến hành thường xuyên, không ít nơi bị buông lỏng. Nhưng quan trọng là “do chưa nhận thức được và hành động đúng nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, chưa tạo được sự quyết tâm chính trị cao trong Đảng và xã hội nhằm ngăn ngừa sự suy thoái trong Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân” - ông Hùng nhấn mạnh.

  • Dấu ấn ĐH Đảng X: Chống tham nhũng!

Trong mối quan tâm về vấn đề đạo đức của cán bộ đảng viên, tâm sự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Đình Bin đã khiến ĐH xúc cảm khi đưa ra dẫn chứng về chính bản thân mình. “Gần 44 năm qua, kể từ khi tôi có vinh dự và trách nhiệm được là đảng viên, 39 năm làm công tác trong ngành ngoại giao, trong đó 17 năm sống làm việc tại 4 địa bàn khác nhau ở nước ngoài, đặc biệt là 10 năm có chức, có quyền tức là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao với rất nhiều cám dỗ, cạm bẫy, phải nói là khủng khiếp ghê gớm lắm. Thế nhưng tôi đã vượt qua được, bởi vì tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dạy “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” và lời ông nội tôi dạy “đói cho sạch rách cho thơm, giấy rách giữ lấy lề.”

Theo ông, trong 4 nguy cơ, nguy cơ tham nhũng là nguy cơ cốt lõi. Ông bức xúc: Từ 1994 đến nay, có ban chống tham nhũng thế mà tham nhũng nghiêm trọng hơn. Theo ông, đẩy lùi tham nhũng mới nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng và đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. “Do vậy cần bổ sung nội dung chống tham nhũng vào câu chủ đề, là kim chỉ nam hành động. “Đó là dấu ấn ĐH này!”-ông khẳng định. Cũng theo ông, trong các báo cáo xây dựng Đảng, cần nâng lên đúng tầm của nó. Chúng ta đặt ra việc xây dựng 3 vấn đề (chính trị, tư tưởng và tổ chức), nhưng thiếu một vấn đề quan trọng là đạo đức. “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, nên cần coi trọng giáo dục đạo đức, nhất là cán bộ càng cao càng phải gương mẫu. ĐH X cần đặc biệt chống chủ nghĩa cá nhân. “Do vậy, phải thêm nội dung xây dựng mạnh cả về đạo đức cán bộ, đảng viên”-ông Bin tha thiết.

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh: Phải làm chuyển biến sâu sắc trong toàn Đảng, trước hết trong các cấp ủy, lãnh đạo các cấp về tính nghiêm trọng và nguy cơ của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đối với sự ổn định, phát triển của đất nước. Cũng theo ông Hùng, để thực hiện được giải pháp này, phải xây dựng được quyết tâm chính trị cao từ BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội đến toàn Đảng, toàn xã hội nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn này bằng việc bố trí đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, một trong những giải pháp quan trọng là trong chỉ đạo thực hiện (cả trong xử lý sai phạm) phải kiên quyết, ráo riết hơn.

Phó ban Nội chính TƯ Nguyễn Tuấn Khanh thẳng thắn: Đảng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để có quyết tâm chống tham nhũng. Vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện cơ chế quản lý. Một khi tham nhũng trầm trọng thì càng phải đề cao cảnh giác để không phát sinh. Không để thoái hóa biến chất trong bộ máy Nhà nước, nhất là cán bộ chủ chốt phải càng gương mẫu, có trách nhiệm giáo dục vợ chồng con cái, nhân viên dưới quyền. Phải công khai trong Đảng về sự trong sạch của mình. Người kê tài sản không trung thực sẽ bị xử lý. Không đề bạt cán bộ có dư luận về hành vi tham nhũng.

Hôm nay, 21-4, buổi sáng ĐH sẽ thảo luận và biểu quyết một số vấn đề liên quan đến việc bầu cử BCHTƯ khóa X tại Hội trường Ba Đình; buổi chiều ĐH làm việc tại các đoàn. 

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục