Kỷ niệm 136 năm ngày sinh V.I. Lênin

Lênin và cách mạng Việt Nam

TRẦN HỮU PHƯỚC
Lênin và cách mạng Việt Nam

Hôm nay 22-4-2006, cùng với nhân loại tiến bộ, nhân dân ta kỷ niệm 136 năm ngày sinh V.I. Lênin trong không khí hân hoan giữa lúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đang tiến hành tại thủ đô Hà Nội.

Lênin và cách mạng Việt Nam ảnh 1
Lênin tại Đại hội 3 Quốc tế Cộng sản (tháng 6-1921).

Hơn ba phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ khi chiếc tuần dương hạm Rạng Đông nã pháo vào cung điện Mùa Đông để khai sinh ra Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, tên tuổi Lênin đã trở thành biểu tượng của niềm tin mãnh liệt chinh phục hàng trăm triệu người trên trái đất.

Bằng tấm lòng thành kính sâu xa, hơn 80 năm trước đây, Bác Hồ đã viết lên những dòng bất hủ: “Khi còn sống, Lênin là người thầy, người cha của nhân dân bị áp bức. Sau khi mất, người là ngôi sao chỉ đường tiến tới sự nghiệp vĩ đại, sự nghiệp giải phóng nhân dân bị áp bức”.

Bác còn cho đồng bào ta thấy rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Thật vậy, nhờ ánh sáng tư tưởng Lênin chỉ lối soi đường, cách mạng nước ta mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối kéo dài trong hai phần ba thế kỷ, khiến cho nhân dân ta phải hao tổn biết bao tâm lực và máu xương, làm day dứt nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Như ánh sáng mặt trời xua tan bóng tối, trong “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Lênin đã chỉ cho nhân dân ta thấy rõ: Trong thời đại ngày nay, muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản và đưa loài người tiến lên chủ nghĩa xã hội chỉ có thể giành được thắng lợi bằng sự kết hợp thành một trào lưu chung cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản tất cả các nước với cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc. Và sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa chỉ có thể đi đến thắng lợi triệt để khi nó trở thành bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới.

Khẩu hiệu chiến đấu vĩ đại của Lênin “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!” vang lên như hồi kèn xung trận, đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta nắm chắc vũ khí tư tưởng xông lên cùng với nhân dân các nước “chính quốc” chặt đứt “hai cái vòi của con đỉa” thực dân hút máu tanh hôi.

Trong ngày kỷ niệm sinh nhật Lênin, với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Bác Hồ - người đảng viên cộng sản Việt Nam đầu tiên, người học trò xuất sắc của Lênin. Vượt qua sự hạn chế về quan điểm yêu nước của những sĩ phu và các nhà cách mạng thuở đương thời, Hồ Chủ tịch đã dẫn dắt nhân dân ta tiến bước trên con đường mà Người đã trải qua - từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản.

Nhờ vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống đấu tranh oanh liệt của dân tộc, Đảng ta đã đề ra cương lĩnh đúng đắn qua các thời kỳ, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng vượt qua phong ba bão táp để cập bến vinh quang.

Với thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân ta đã bước lên vũ đài thế giới như một chiến sĩ tiên phong hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu quá trình sụp đổ hệ thống thuộc địa chủ nghĩa đế quốc. Đó là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin tại một nước thuộc địa – nửa phong kiến.

Trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cả nước cũng như trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, tư tưởng quân sự của Lênin đã trang bị cho chúng ta những nguyên lý cơ bản và bài học kinh nghiệm quý báu về việc vận dụng nghệ thuật đấu tranh vũ trang để giành chính quyền, giữ vững và bảo vệ những thành quả vĩ đại của cách mạng. Trên cơ sở kế thừa và phát huy tài thao lược của tổ tiên và dày công tổng kết những bài học kinh nghiệm sáng tạo vô cùng phong phú trong cuộc chiến tranh nhân dân, Đảng ta cũng đã góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đối với chúng ta, một điều “có tầm quan trọng sống còn” là những ý tưởng mới mẻ về sự đột phá của Lênin trong việc quyết định từ bỏ cơ chế “cộng sản thời chiến” chuyển sang thực hiện “chính sách kinh tế mới” nhằm tiến hành “một sự cải tổ”, “một sự thay đổi” quan trọng, đã cung cấp cho chúng ta cơ sở lý luận và thực tiễn để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế - xã hội trong những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ 20.

Quả vậy, việc Lênin cho phép phát triển một bộ phận kinh tế tư bản chủ nghĩa, thu hút vốn nước ngoài, thực hành chế độ tô nhượng và chế độ cho thuê; việc Lênin chủ trương phải nhanh chóng đuổi kịp làn sóng cách mạng khoa học – kỹ thuật mới của thế giới điện khí hóa và cần phải học tập phương pháp quản lý có hiệu quả của giai cấp tư sản; việc Lênin nêu lên những biện pháp đấu tranh để khắc phục chủ nghĩa quan liêu, đề ra những nhiệm vụ cần kíp nhằm giải quyết mối quan hệ đúng đắn giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước; việc Lênin chủ trương điều chỉnh chính sách đối ngoại, nhấn mạnh sự chung sống hòa bình với các nước phương Tây, phát triển sự mở rộng việc giao lưu kinh tế, ra sức lợi dụng vốn và kinh nghiệm quản lý của chủ nghĩa tư bản... là những biểu hiện rực rỡ của sự chuyển đổi tư duy lý luận và kinh tế, soi sáng bước đường tiến lên của nước ta trong công cuộc đổi mới.

Qua những dòng hồi ký chứa chan tình cảm của Paul Waillant Conturier - nhà thơ, nhà chính luận, nhà cách mạng nổi tiếng Pháp và là người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ, chúng ta vui mừng được biết trong trái tim Lênin có hình ảnh của đất nước ta, Couturier viết: “Con người làm chấn động địa cầu đã giữ trong lòng cho tới cuối đời sự thấu hiểu sâu sắc đối với tình cảm của người An Nam bị trị, người Ấn Độ, người thợ mỏ Tân Viếc-gi-ni”.

Trong thời gian gia công sưu tầm nguồn tư liệu quý giá để chuẩn bị ấn hành trước tác lý luận nổi tiếng “Chủ nghĩa đế quốc và giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, Lênin đã nhiều lần đề cập đến Việt Nam và bán đảo Đông Dương. Người quan tâm sâu sắc đến sự bành trướng lãnh thổ thuộc địa của thực dân Pháp tại nơi đây.

Lênin đã cống hiến lớn lao cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Chính vì vậy, nhân dân ta đời đời nhớ ơn Lênin. Chúng ta đều biết, ngay từ năm 1929, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng - đã quyết định tổ chức hàng năm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười và ngày sinh Lênin.

Cảm động biết bao, trong những tháng năm hoạt động bí mật, có khi đồng chí và đồng bào ta đã phải trả giá cả bằng máu để tổ chức những ngày kỷ niệm lịch sử thiêng liêng này - như trong dịp kỷ niệm 13 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười vào ngày 7-11-1930, hàng trăm nông dân đã bị kẻ thù tàn sát trong cuộc biểu tình ở Phủ Diễn và Phủ Lý (Bắc bộ)...

Lịch sử hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã từng xác minh rằng, mỗi khi cách mạng gặp khó khăn vấp váp hoặc lui vào bước thoái trào, làn sóng chống cộng lại nổi lên dữ dội. Tuy nhiên, chưa bao giờ cường độ tập kích của kẻ thù vào trận địa tư tưởng của chúng ta quyết liệt như ngày nay. Âm mưu của phương Tây muốn nhân vụ đột biến ở Liên Xô và khu vực Đông Âu, thừa thắng xông lên làm sụp đổ tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm xóa sạch “bóng ma đã từng ám ảnh châu Âu”.

15 năm trôi qua, giờ đây tấn thảm kịch của những vụ đột biến ở Liên Xô và Đông Âu đã đến hồi kết thúc. Thực tế chứng minh rằng, tuy phong trào chủ nghĩa xã hội thế giới không thể phục hồi nhanh chóng, nhưng quyết không thể diệt vong. Những thành tựu quan trọng đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong 30 năm cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, sau hơn 20 năm tiến hành đổi mới ở Việt Nam, sau gần 20 năm đổi mới ở Lào và hơn 10 năm ở Cuba... minh chứng một cách hùng hồn rằng chủ nghĩa xã hội vẫn đang tồn tại, đổi mới và dồi dào sức sống.

Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu không phải là chủ nghĩa xã hội đã “cáo chung” với tư cách là một học thuyết cách mạng và khoa học. Đó là dấu hiệu sự thất bại của mô hình cũ - “mô hình Liên Xô” của chủ nghĩa xã hội. Sự thất bại ấy là do hệ quả của nhiều nguyên nhân phức hợp gây ra.

Dưới ánh sáng của 20 năm đổi mới ở Việt Nam cho thấy rõ, chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới đang được hình thành, thể hiện sự gia công tìm tòi và thể nghiệm của Đảng ta về mô hình mới của chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn đất nước. Bằng việc tiến hành sự nghiệp đổi mới, nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa Mác - Lênin, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn, phản ánh sự trưởng thành của Đảng trong việc nhận thức lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học.

Rõ ràng, ngay trong buổi bình minh thế kỷ 21, loài người tiến bộ đã bắt đầu nhận ra diện mạo của chủ nghĩa xã hội được cải cách, đổi mới và hiện đại hóa. Nó sẽ đi vào giai đoạn lịch sử mới bằng cuộc hành trình ngoạn mục - vừa hợp tác vừa đấu tranh và cùng tồn tại trong sự cạnh tranh lâu dài để tiếp tục giải quyết “vấn đề ai thắng ai” giữa chủ nghĩa tư bản đã có lịch sử phát triển trải qua 5 thế kỷ và chủ nghĩa xã hội tính từ khi Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ra đời đến nay đã được 158 năm.

Sự nhận xét của Viện sĩ Lilov, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bungari đã gợi mở cho chúng ta cảm nhận nhiều điều lý thú. Ông viết: “Trước đây, đối với thế giới thì sự phát triển của Liên Xô là quan trọng nhất. Nhưng nay, đối với chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21, thì điều quan trọng nhất là chương trình cải cách và đổi mới mang tính chất chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc. Lịch sử mong muốn như vậy. Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thức được sự cần thiết phải tiến hành cuộc đổi mới chủ nghĩa xã hội. Tôi tin rằng tương lai thuộc về chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết được những vấn đề đương đại của nhân loại”.

Chúng ta đều biết, Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới ra đời vào mùa hè năm 1847 chỉ có khoảng 400 đảng viên. Những năm 1980, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở vào giai đoạn thịnh đạt nhất, lãnh thổ mở rộng trên 1/4 diện tích toàn cầu và chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới. Đến nay, sau vụ Đông Âu đột biến và Liên Xô giải thể, các nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn nối liền thành một dải địa lý từ phần đất bao la ở phía Nam sông Áp Lục, vượt qua dòng Trường Giang hùng vĩ, đến tận vùng đồng bằng sông Cửu Long bát ngát, vẫn còn giữ vững địa bàn từ khu vực Đông Bắc Á đến châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê.

Tại nhiều nước ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, những người cộng sản cùng giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, có nơi giành được những cương vị cao nhất trong các cơ quan lập pháp.

Tại hàng loạt nước ở châu Âu, các đảng cộng sản đều có đại biểu tại nghị viện, thậm chí ở một số nước, số đại biểu của đảng cộng sản chiếm tỷ lệ khá lớn trong quốc hội. Trên khắp các châu lục, các đảng cộng sản vẫn tiếp tục kiên trì lấy chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản làm mục tiêu phấn đấu, vẫn khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận và phương pháp luận khoa học để tiến hành cuộc cách mạng cải tạo xã hội. Tuy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn đang còn phải tiếp tục vượt qua những đoạn đường quanh co khúc khuỷu và những bước gập ghềnh, nhưng nhất định xu thế phát triển tất yếu của lịch sử là không thể đảo ngược.

Dưới ánh sáng các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, chúng ta càng được nhận thức và chiêm nghiệm sâu sắc hơn chân lý của thời đại mới: Đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin là sự chọn lọc sáng suốt và đúng đắn của Bác Hồ, đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta. Nhân dịp kỷ niệm 136 năm ngày sinh Lênin, với lòng tự hào chính đáng và niềm kiêu hãnh lớn lao, chúng ta quả quyết rằng ngọn cờ tư tưởng bất diệt của Lênin sẽ được Đảng, nhân dân và đất nước Việt Nam mãi mãi giương cao.

TRẦN HỮU PHƯỚC

 

Tin cùng chuyên mục