Đại đoàn kết toàn dân tộc

Nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của mọi thắng lợi

Trong khuôn khổ ĐH lần thứ X, hôm qua, 22-4, tại Trung tâm Báo chí của ĐH, các đồng chí Huỳnh Đảm, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ VN và Tráng A Pao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã chủ trì cuộc họp báo về “Chính sách đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và chính sách dân tộc của Đảng”. Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề về dân tộc đã được các phóng viên trong và ngoài nước đặt ra.
Nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của mọi thắng lợi

Trong khuôn khổ ĐH lần thứ X, hôm qua, 22-4, tại Trung tâm Báo chí của ĐH, các đồng chí Huỳnh Đảm, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ VN và Tráng A Pao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã chủ trì cuộc họp báo về “Chính sách đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và chính sách dân tộc của Đảng”. Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề về dân tộc đã được các phóng viên trong và ngoài nước đặt ra.

  • MTTQ VN có tham gia chuẩn bị nhân sự cho ĐH Đảng?


- Báo SGGP: MTTQ VN có tham gia vào công tác chuẩn bị nhân sự cho ĐH Đảng lần thứ X không? Nếu có thì việc tham gia đó thể hiện như thế nào?

-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQVN HUỲNH ĐẢM: Trước khi tiến hành ĐH Đảng các cấp lần này, MTTQVN đã có đề xuất và được Ban Bí thư thống nhất. Theo đó, MTTQ các cấp phải làm 4 việc: một là tuyên truyền cho nhân dân hiểu ý nghĩa của ĐH các cấp và ĐH Đảng lần thứ X; hai là động viên phong trào thi đua yêu nước; ba là tham gia góp ý vào nội dung các văn kiện của ĐH; bốn là góp ý về nhân sự.

Ở Trung ương, Đoàn Chủ tịch của MTTQVN đã họp với 3 đồng chí trong Bộ Chính trị để trực tiếp góp ý về các nội dung văn kiện và cơ cấu nhân sự BCHTƯ khóa X. Ngoài ra, MTTQ cũng tiến hành thu thập ý kiến của nhân dân mọi tầng lớp về các vấn đề liên quan đến ĐH Đảng lần thứ X để báo cáo với các cơ quan chức năng, tổ chức Đại hội. Đây chính là điểm mới của ĐH lần này so với những kỳ ĐH trước.
 
- Báo Cựu chiến binh Việt Nam: Những vụ án lớn như Năm Cam, PMU18 với hàng loạt cán bộ suy thoái đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. MTTQ VN với tư cách là tổ chức liên minh của các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm như thế nào trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng? Tới đây, MTTQ VN có biện pháp gì để góp phần chống tham nhũng có hiệu quả?

- Thời gian qua, MTTQ VN luôn xác định đây là một nội dung quan trọng trong hoạt động, phát huy quyền giám sát của mình trong xây dựng chính quyền nói chung và chống tham nhũng nói riêng.

 
Nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của mọi thắng lợi ảnh 1

Đồng chí Huỳnh Đảm (phải) và đồng chí Tráng A Pao chủ trì cuộc họp báo sáng 22-4.
Ảnh: TR.B.

Tại các kỳ họp Quốc hội và HĐND, MTTQ VN có trách nhiệm tập hợp những vấn đề bức xúc nhất của nhân dân, trong đó có vấn đề tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội xem xét chỉ đạo, chấn chỉnh.

 
 
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như vai trò giám sát của mình trong phòng chống tham nhũng, trong bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004-2009, MTTQ đã lắng nghe ý kiến của nhân dân và quyết định loại ra khỏi danh sách gần 3.000 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp.

Thực hiện Nghị định 79, MTTQ Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND xã phường, ai không được tín nhiệm trên 50% thì MTTQ đề nghị Đảng và Nhà nước xem xét, bố trí lại.

Đầu năm 2005, MTTQ Việt Nam đã ra nghị quyết thực hiện Luật Chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để vận động các tổ chức thành viên và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả công tác này.

MTTQ Việt Nam nhận thức sức mạnh của dân là sức mạnh vô địch, Đảng và Nhà nước dựa vào dân để phòng chống tham nhũng, chắc chắc sẽ đẩy lùi được tham nhũng. Đây là một cuộc chiến gay go, hết sức quyết liệt, nhưng dựa vào dân chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Thực tế cho thấy phần lớn những vụ án tiêu cực vừa qua là do nhân dân phát hiện.

Ngày 24-4 tới, MTTQ Việt Nam sẽ công bố nghị quyết thực hiện Luật Chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời công bố quy chế giữa MTTQ và Chính phủ Việt Nam về việc MTTQ tiến hành giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm ở 5 tỉnh thành, sau đó nhân rộng ra.
 
- Báo SGGP: Nhiều ý kiến thảo luận tại ĐH X cho rằng hiện nay đoàn thể rất đông nhưng không mạnh. Việc thành lập hội, đoàn thể dường như vẫn nặng tính chất phong trào, thành tích mà không quan tâm tới lợi ích của hội viên cũng như mục tiêu tập hợp quần chúng nhân dân?

- Báo cáo Chính trị tại ĐH Đảng lần thứ X đã khẳng định, hoạt động của mặt trận và các tổ chức thành viên đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ IX, đồng thời chăm lo cho lợi ích đoàn viên, hội viên.

Bên cạnh đó, có nơi, có chỗ, tổ chức các đoàn thể vẫn còn hình thức. Nói “chưa mạnh” chính là việc hoạt động đoàn thể có nơi, có chỗ chưa thiết thực, nên chưa thu hút, tập hợp được đoàn viên, hội viên và chăm lo cho lợi ích của họ.

Vì vậy, ĐH lần này cũng đã chỉ ra MTTQ và các đoàn thể phải nâng cao hiệu quả hoạt động của mình một cách thiết thực, khắc phục tình trạng hành chính, phô trương hình thức.

- Báo Ấp Bắc: Trong chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới chúng ta có đặt nặng vấn đề lý lịch hay không khi xin vào Đảng, khi được đề bạt, nhất là đối với những người có gia đình tham gia chế độ cũ, hay có người đang sinh sống ở nước ngoài? Từ lâu rồi, chúng ta đã nói là cởi mở hơn trong vấn đề này, nhưng trong thực tế vẫn còn sự phân biệt?

- Chủ trương của Đảng nhất quán trong quá trình xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hôm khai mạc ĐH Đảng lần thứ X cũng xác định rõ, không phân biệt đối xử giai cấp, thành phần và cả lý lịch… Bất cứ ai có tài đều được trọng dụng.

- Báo Văn hóa: Theo chức năng, MTTQ có chức năng giám sát và phản biện xã hội. Vậy, MTTQ có thể giám sát và phản biện những vấn đề mang tính vĩ mô không? Đặc biệt là những chính sách kinh tế – xã hội của đất nước! Và việc phản biện đó được thực hiện theo cơ chế như thế nào?

°Trên cơ sở tập hợp những ý kiến kiến nghị trí tuệ của các cấp, các ngành, đặc biệt là những chuyên gia có kinh nghiệm trên các lĩnh vực, MTTQ VN đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước trong việc đề ra chủ trương, chính sách chung, cũng như trong một số dự án lớn. Việc này được làm thường xuyên.

MTTQ đã thành lập 8 Hội đồng tư vấn trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến tôn giáo, dân tộc… để cùng với Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch thực hiện công tác phản biện. Đây là một quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nhưng MTTQ VN đã có ý thức và xây dựng lực lượng để chuẩn bị tốt nhất cho vai trò phản biện.
  •  80% con em dân tộc thiểu số học xong trở về địa phương

- Báo Tuổi trẻ Thủ đô:  Chính sách cụ thể để phát triển kinh tế trong thời gian tới đối với vùng sâu, vùng xa như thế nào để có thể tránh được tình trạng phân hóa giàu nghèo và sự chênh lệch giữa các vùng miền?

- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội TRÁNG A PAO: Chúng ta đang thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN nên không thể tránh được sự phân hóa giàu nghèo. Tuy nhiên, chúng ta luôn cố gắng giảm khoảng cách ấy.

Đối với đồng bào các dân tộc, chúng ta thực hiện Chương trình 135 chủ yếu ở cấp xã, mỗi xã trung bình được 500 triệu đồng. Để có thể đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, chúng tôi đã đề nghị với Chính phủ, từ nay đến năm 2010 phải bố trí được nguồn vốn nhiều hơn.

Không phải bình quân mỗi xã là 500 triệu đồng nữa, mà có xã phải được 1 tỷ đồng, thậm chí là 2 tỷ đồng. Và không chỉ đầu tư cho xã mà phải đầu tư đến từng hộ gia đình.
 
- Báo SGGP: Một vấn đề rất quan trọng để phát triển KT-XH ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số là phải đào tạo được nguồn nhân lực. Nhưng có một thực tế: con em bà con dân tộc thiểu số được Đảng và Nhà nước chu cấp, đài thọ để đi học nhưng khi học xong thì không muốn trở lại làm việc ở quê hương mình. Trong khi đó, điều kiện của những vùng này không đủ để thu hút nguồn nhân lực từ miền xuôi, thành phố lên. Theo ông, phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Qua giám sát chúng tôi có con số cụ thể là hiện nay 80% con em dân tộc thiểu số sau khi đã qua đào tạo đã trở về làm việc phục vụ địa phương mình. Số còn lại do nhiều lý do khác nhau nên không về lại địa phương, nhưng đó không phải là đa số.

Muốn làm tốt được công tác này phải có quy hoạch sớm. Tức là quy hoạch đào tạo cho từng vùng, từng dân tộc, chứ không phải là các vùng, các dân tộc đều giống nhau. Phải xem vùng nào, dân tộc nào chưa có nhiều trí thức, cán bộ thì tập trung đầu tư đào tạo nhiều.

Và khi đào tạo rồi thì Đảng và Nhà nước phải nghiên cứu để nâng cao mức lương để không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên các dân tộc về địa phương mình công tác mà còn thu hút được nguồn nhân lực từ miền xuôi lên.
 
- Tân Hoa xã: Trong những năm gần đây, các thế lực nước ngoài đã cấu kết với một số phần tử xấu ở trong nước để gây ra mất trật tự ở Tây Nguyên. Việt Nam đã và đang thực hiện những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này và phòng ngừa những việc tương tự?

- Hiện nay Đảng và Nhà nước VN triển khai mạnh chính sách 135 ở vùng Tây Nguyên. Mới đây nhất là chính sách 134 nhằm giải quyết 4 vấn đề cơ bản (đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào).

Sau Tết vừa qua, trực tiếp đi giám sát ở Tây Nguyên, tôi thấy các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện rất tốt 4 nội dung này. Hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều giải quyết tốt vấn đề đất sản xuất cho cho đồng bào.

Vừa qua đã xảy ra tình trạng mất trật tự ở Tây Nguyên. Nguyên nhân chính là do đồng bào dân tộc thiểu số trình độ còn thấp nên dễ bị lừa và bị mua chuộc. Để giải quyết vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã có chính sách nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo cán bộ.

Chính phủ đã có chính sách đối với học sinh hệ cử tuyển học ở các trường THCN được hưởng mức học bổng 280.000 đồng/người/tháng (trước đó là 160.000 đồng/người/tháng). Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là đào tạo đội ngũ cán bộ gần dân, tâm huyết với dân, sát dân, tổ chức hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống lại âm mưu của các phần tử xấu.

Chính phủ cũng tiếp tục đầu tư các chương trình đầu tư cho các chương trình phát triển Tây Nguyên để phát triển kinh tế. Chắc chắn, khi kinh tế Tây Nguyên phát triển, đồng bào sẽ không dễ bị mua chuộc.

TUẤN QUÂN - LƯU THẢO 

3 nội dung cơ bản đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc
của Đảng CSVN trong tình hình mới
1- Đảng xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo mọi thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây không phải là chủ trương nhất thời mà là một vấn đề cốt tử của cách mạng.
2- Điểm tương đồng, mẫu số chung để Đảng đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, xóa bỏ mọi định kiến, mặc cảm, phân biệt đối xử trong xã hội… là mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trên cơ sở điểm tương đồng đó, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc.
3- Trong đoàn kết dân tộc, Đảng CSVN chủ trương đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội. Đây là nét đặc thù của đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta, thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc ta.
Những thành tựu thực hiện chính sách dân tộc của Đảng
- Nguyên tắc cơ bản của chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua là “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”.
- Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cho 2.410 xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa miền núi dân tộc thiểu số; đã hoàn thành xây dựng trên 20.311 công trình điện, đường, trường, trạm… phục vụ người dân. Đến nay, 97,42% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 98% điện lưới đến huyện; 64% số hộ dân được sử dụng điện; 100% số xã có trạm y tế xã; 100% số xã có trường tiểu học xây kiên cố. Đã có trên 20 chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai trên địa bàn dân tộc thiểu số, chiếm 44% tổng số vốn của các chương trình mục tiêu cả nước.
- Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện một bước quan trọng, từng bước vươn lên hòa nhập với sự phát triển của cộng đồng cả nước.
(Nguồn: Trung tâm Báo chí ĐH Đảng X)

 

Tin cùng chuyên mục