Mô hình chi bộ ghép ở quận 10

Không còn “vùng trắng” trong giáo dục

Không còn “vùng trắng” trong giáo dục

Trong bài “Cửa chưa mở hay người chưa gõ”, (báo SGGP số ra ngày 27-3-2006) có ý kiến cho rằng công tác phát triển Đảng trong trường học bị ách tắc có nguyên nhân là do chi bộ ghép – đưa đảng viên ở ngoài vào nhà trường cho đủ số để thành lập chi bộ, bởi những đảng viên ngoài nhà trường không sâu sát công việc của giáo viên, không thể làm tốt vai trò hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng phát triển Đảng… Thế nhưng, tại quận 10, thực tế lại hoàn toàn khác…

  • “Ghép” những người am hiểu

Không còn “vùng trắng” trong giáo dục ảnh 1

Cô Trần Thị Luận, đảng viên trẻ vừa được Chi bộ ghép của Trường Hoàng Diệu kết nạp.

“Lúc đầu, các quận-phường tiếp nhận các chi bộ của Sở Giáo dục- Đào tạo chuyển về cũng trong tình trạng ghép. Nhưng ghép theo kiểu, những trường có ít đảng viên phải sinh hoạt “ké” với các trường khác có chi bộ. Cách này không hiệu quả và không đúng nguyên tắc “Đảng lãnh đạo”, vì chi bộ của trường này không thể chỉ đạo hoạt động của các trường khác được. Sau khi tổ chức “hội nghị Diên Hồng”, chúng tôi được các đảng viên góp ý cách ghép chi bộ mới là đưa đảng viên ở địa phương vào thành lập chi bộ riêng cho từng trường học…”- anh Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy kể.

Anh tiếp - đó cũng chính là nguyện vọng của cả phía trường học. Cứ trường nào thiếu đảng viên, chúng tôi chuyển các cán bộ phường phụ trách văn hóa-xã hội, những cán bộ hưu trí am hiểu về giáo dục đến sinh hoạt cho đủ số đảng viên thành lập chi bộ Đảng. Mục tiêu của việc cài đảng viên vào trường là để bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, đến khi trường có đủ 3 đảng viên cho một chi bộ…

Là người trực tiếp thực hiện, Bí thư Đảng ủy phường 12 Lê Văn Lài nhận xét: Đó là chủ trương đúng. Trước đây, do chi bộ ở xa nên công tác phát triển Đảng trong trường học ít được quan tâm. Đến nay, nhờ các trường có chi bộ riêng, số đảng viên mới trong khối trường học đã chiếm một tỷ lệ lớn. Cụ thể, năm 2005, toàn phường (gồm các khối UBND, công an, quân sự, giáo dục, khu phố…) kết nạp được 6 đảng viên mới thì có đến 3 đảng viên là giáo viên, 3 tháng đầu năm 2006 kết nạp được 3 thì có 2 là giáo viên.

  • Phát triển, nhân ra...

“Thầy Lâm Tùng Bách- nay là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu - dạy giỏi như thế, cả học sinh và phụ huynh đều yêu mến mà không được chi bộ giới thiệu kết nạp vào Đảng thì thật là tiếc”- bà Huỳnh Thị Cẩm Hương, Chủ tịch Hội phụ huynh của trường, Phó ban giáo dục phổ cập của khu phố, nghĩ thế.

Đến năm 2003, bà Hương được chuyển về làm bí thư chi bộ trường. Với nhiệm vụ người đi “gieo mầm”, bà tiến hành ngay thủ tục phát triển Đảng cho cô Luân, thầy Bách. Lý do đơn giản - bà nói - người dạy học mà được phụ huynh, học sinh yêu mến là xứng đáng đứng vào hàng ngũ Đảng.

“Xây người” xong, bà lại “xây trường” - tham gia các cuộc họp ban giám hiệu để nắm bắt hoạt động của trường và làm cầu nối thông tin giữa trường với phụ huynh, trường với địa phương, đưa ra nghị quyết phù hợp, được nhà trường ủng hộ. Mô hình chi bộ ghép ở các trường trong quận 10 còn tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa trường và địa phương, giúp nhà trường nắm bắt được nhiều vấn đề thời sự, dân sinh tốt hơn.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Măng non 3, sau khi phát triển đủ số đảng viên để thành chi bộ độc lập tại trường, cô lại được luân chuyển về làm Bí thư kiêm Hiệu trưởng Trường 19-5 để tiếp tục xây dựng chi bộ độc lập.

Cô Lệ Thủy kể: “Cô Nguyễn Thị Thu Thủy là giáo viên công tác trên 13 năm, 7 năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi, từ năm 2000, đã được giới thiệu học lớp cảm tình Đảng. Thế nhưng học thì cứ học, phấn đấu thì cứ phấn đấu mà mãi vẫn chưa được kết nạp. Tuy mới về nhưng thấy thế, tôi tiến hành ngay thủ tục phát triển Đảng…

Cô Lệ Thủy quan niệm, công tác Đảng cũng là công tác quản lý, phát triển đảng viên mới cũng chính là xây dựng đội ngũ kế thừa. Cũng cùng suy nghĩ như thế, thầy Trần Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Hồ Thị Kỷ đặc biệt quan tâm phát triển đảng viên mới. Vì thế, nhiều giáo viên của trường, sau khi kết nạp Đảng, được luân chuyển đến các trường khác, đã góp phần tích cực xóa tình trạng “trắng” chi bộ Đảng trong trường học.

Năm 2003, khi thực hiện việc quản lý các chi bộ trường học thì cả quận 10 chỉ có 8 chi bộ trong tổng số 41 trường học (tức chưa tới 20%), nhưng đến nay, mới chưa đầy 3 năm, 100% trường học trong quận đều có chi bộ Đảng…

HÀN NI

 

Tin cùng chuyên mục