Quy trình giới thiệu nhân sự Đại hội X

Dân chủ, chặt chẽ, đạt chất lượng tốt nhất

° Cả 6 Ủy viên Bộ Chính trị khóa IX đều trúng với tỷ lệ phiếu rất cao  ° Tất cả các đại biểu do ĐH đề cử và 2 trường hợp tự ứng cử đều không trúng  ° Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung được BCHTƯ khóa IX giới thiệu nhưng không trúng  ° BCH TƯ khóa IX giới thiệu đồng chí Nông Đức Mạnh là Tổng Bí thư khóa X
Dân chủ, chặt chẽ, đạt chất lượng tốt nhất

° Cả 6 Ủy viên Bộ Chính trị khóa IX đều trúng với tỷ lệ phiếu rất cao  ° Tất cả các đại biểu do ĐH đề cử và 2 trường hợp tự ứng cử đều không trúng  ° Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung được BCHTƯ khóa IX giới thiệu nhưng không trúng 
° BCH TƯ khóa IX giới thiệu đồng chí Nông Đức Mạnh là Tổng Bí thư khóa X

Chiều 24-4, ngay sau khi có kết quả bầu cử BCHTƯ khóa X, ông Đào Duy Quát, Phó Trưởng Ban TT-VH TƯ, Giám đốc Trung tâm báo chí ĐH Đảng X, đã trả lời báo chí xung quanh việc bầu nhân sự vào BCHTƯ khóa X.

° Phóng viên: Thưa ông, so với quyết định của ĐH X (bầu 160 Ủy viên BCHTƯ khóa X chính thức và 25 Ủy viên dự khuyết), kết quả bầu đã thiếu 4 Ủy viên dự khuyết? Tại sao lại không bầu cho đủ 25 Ủy viên dự khuyết?

Dân chủ, chặt chẽ, đạt chất lượng tốt nhất ảnh 1
Phóng viên Báo SGGP đặt câu hỏi với ông Đào Duy Quát. Ảnh: M.Đ

° Ông ĐÀO DUY QUÁT: -ĐH đã bầu 160 Ủy viên BCHTƯ khóa X chính thức và 21 Ủy viên dự khuyết, thiếu 4 Ủy viên dự khuyết so với dự kiến. Nguyên nhân là do các trường hợp còn lại có số phiếu chưa quá bán. Đoàn Chủ tịch đã xin ý kiến có bầu cho đủ 25 ủy viên dự khuyết không, nhưng ĐH đã biểu quyết không bầu nữa, chỉ dừng ở 21 ủy viên dự khuyết. Số ủy viên dự khuyết được bầu chủ yếu ở các địa phương, cấp quận huyện và họ đều rất trẻ.

° Trong số đại biểu trúng vào BCHTƯ khóa X chính thức, có bao nhiêu người do BCHTƯ khóa IX giới thiệu?

° 160 người được bầu vào BCHTƯ chính thức khóa X đều nằm trong số 174 người do BCH khóa IX giới thiệu. Điều đó có nghĩa là tất cả các trường hợp đề cử, ứng cử tại ĐH đều không được bầu, vì không ai vượt quá bán, mặc dù có những trường hợp đã đạt trên 60% số phiếu bầu. 2 trường hợp tự ứng cử là ông Nguyễn Xuân Hãn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình đều không lọt vào BCHTƯ khóa X (chỉ đạt tổng số phiếu bầu trên 30%).

° Được biết có cả những Bộ trưởng do BCHTƯ khóa IX giới thiệu không trúng vào BCHTƯ khóa X?

° Có 2 trường hợp là Bộ trưởng được BCHTƯ khóa IX giới thiệu nhưng đã không trúng là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung. Ngoài ra, có một số Bộ trưởng không được BCHTƯ khóa IX giới thiệu nhưng được ĐH đề cử cũng không trúng như Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, Bộ trưởng Bộ BC-VT Trần Trung Tá, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Nguyễn Thị Hằng...

° Thưa ông, 6 đồng chí Bộ Chính trị khóa IX có trúng hết không?

° 6 đồng chí trong Bộ Chính trị khóa IX được tái cử (gồm Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế TƯ Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng) đều trúng vào BCHTƯ khóa X với số phiếu rất cao (trên dưới 90% tổng số phiếu bầu).

° Thưa ông, bao giờ thì công bố kết quả ĐH bỏ phiếu tín nhiệm chức danh Tổng Bí thư?

° Cuối phiên họp sáng qua, Đoàn Chủ tịch đã phát cho toàn thể đại biểu ĐH danh sách BCH TƯ khóa X sắp xếp theo a,b,c, công bố số phiếu đạt được, chức danh hiện nay và mục giới thiệu chức danh Tổng Bí thư để các đại biểu ghi phiếu tín nhiệm. Ban kiểm phiếu bầu BCH TƯ khóa X đã được ĐH quyết định giao nhiệm vụ để kiểm phiếu tín nhiệm chức danh Tổng Bí thư. Chiều cùng ngày, Hội nghị BCHTƯ khóa X lần thứ nhất đã họp. Kết quả tín nhiệm chức danh Tổng Bí thư đã được báo cáo để BCH TƯ khóa X lấy đó làm cơ sở bầu Tổng Bí thư.

° Thưa ông, có phải là trong trường hợp: người đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất của ĐH không phải là người đạt số phiếu bầu vào BCH TƯ khóa X cao nhất thì sẽ có 2 ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư. Còn nếu người có số phiếu tín nhiệm cao nhất của ĐH trùng với người đạt số phiếu bầu vào BCHTƯ khóa X cao nhất thì sẽ chỉ 1 ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư?

° Tôi xin nhắc lại, quy chế bầu cử Tổng Bí thư là quyền của BCH TƯ khóa X. BCHTƯ khóa X nghiên cứu kết quả lấy ý kiến tín nhiệm chức danh Tổng Bí thư của ĐH là một cơ sở để xem xét việc bầu Tổng Bí thư, chứ đó không phải là cơ sở duy nhất và quyết định. Để bầu Tổng Bí thư, BCHTƯ khóa X còn nghe ý kiến chuẩn bị của BCHTƯ khóa IX về các chức danh. Cuối cùng, BCHTƯ khóa X, bằng quyền của mình sẽ quyết định có 1-2 ứng cử viên vào chức danh Tổng Bí thư. Được biết, BCH TƯ khóa IX đã giới thiệu với BCHTƯ khóa X chức danh Tổng Bí thư là Tổng Bí thư BCHTƯ khóa IX Nông Đức Mạnh.

° Phóng viên:- Có nên phát động công khai một đợt vận động toàn dân chống tham nhũng?

° Ông Đào Duy Quát: Sau ĐH X sẽ tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị học tập Nghị quyết ĐH X. Một trong những vấn đề quan trọng mà ĐH X quyết định là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đã đưa ra một loạt các giải pháp đồng bộ, kiên quyết để chống tham nhũng. Đây là ý chí, quyết tâm, trí tuệ của ĐH X đã thể hiện trong các văn kiện của ĐH.

° Theo ông, đã có thể nói gì về những nét đổi mới nhất của ĐH X?

° Để tổng kết được vấn đề này, phải có thời gian. Nhưng theo tôi, ĐH X đã có rất nhiều đổi mới. Thứ nhất, quá trình hình thành Nghị quyết của ĐH là quá trình tổng kết thực tiễn lý luận của 20 năm đổi mới và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH IX. Quá trình hình thành các văn kiện của ĐH X được sự đóng góp của toàn Đảng, lấy ý kiến nhiều lần của các cấp ủy Đảng, của Quốc hội, của MTTQ, của các nhân sĩ, các nhà khoa học, và đặc biệt là lấy ý kiến toàn dân. Quá trình hình thành nghị quyết ĐH X là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Thứ hai, quá trình chuẩn bị nhân sự của ĐH này có rất nhiều đổi mới. Từ công bố cho các cấp ủy thảo luận kỹ các tiêu chuẩn, rồi lấy giới thiệu vòng 1, trên cơ sở kết quả giới thiệu vòng 1 (lấy ý kiến các cán bộ chủ chốt các cấp tỉnh thành và cơ quan trực thuộc TƯ) mới đến vòng thứ 2 (ý kiến các cấp ủy). Vòng 3 là lấy ý kiến của từng Ủy viên BCHTƯ khóa IX. Trên tất cả cơ sở đó, Tiểu ban nhân sự mới xem xét và trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị cũng thảo luận nhiều lần rồi mới trình BCHTƯ khóa IX. Sau đó, BCHTƯ khóa IX xem xét, cân nhắc và biểu quyết bằng phiếu kín để đưa ra danh sách giới thiệu cho ĐH. Quy trình giới thiệu nhân sự của ĐH X là rất dân chủ, chặt chẽ, vì thế đạt chất lượng tốt nhất.

° Với quy trình như vậy, hiệu quả thể hiện như thế nào?

° Tất cả 160 đại biểu trúng cử vào BCHTƯ khóa X đều là do BCHTƯ khóa IX giới thiệu (các đại biểu do ĐH đề cử, ứng cử không ai trúng). Đó là do BCHTƯ khóa IX đã giới thiệu đúng, có chọn lọc. Còn giới thiệu tại ĐH vẫn mang tính biết ai thì giới thiệu người đó nên hiệu quả không cao!

Tuấn Quân - Lưu Thảo

Tin cùng chuyên mục