Phó Thủ tướng Thường trực NGUYỄN TẤN DŨNG báo cáo Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2006 - 2010

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và bộ máy hành chính

* Cơ cấu lại cơ quan hành chính nhà nước các cấp, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian
Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và bộ máy hành chính

* Cơ cấu lại cơ quan hành chính nhà nước các cấp, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và bộ máy hành chính ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua (16-5), được sự ủy nhiệm của Thủ tướng Phan Văn Khải, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo trước Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006- 2010. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và bộ máy cơ quan hành chính là tinh thần chung của bản báo cáo.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mục tiêu tổng quát đặt ra cho giai đoạn 2006 - 2010 là: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

  • Đổi mới cơ chế kinh tế, đầu tư có trọng tâm

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đề ra nhiều nhóm giải pháp lớn. “Trước hết là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân” - Phó Thủ tướng nói. Chính phủ chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Nhà nước sẽ tăng đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn để phát triển mạnh kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những nơi Nhà nước thu hồi đất.

Trong công nghiệp, sẽ tập trung nguồn lực phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động. Nâng tỉ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã qua chế biến. Nhà nước tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để phát triển những sản phẩm quan trọng của nền kinh tế, như: lọc hóa dầu, khai thác quặng và luyện thép, phân bón, hóa chất, xi măng, khai thác bô-xít và sản xuất alumin, bột giấy gắn với trồng rừng và một số sản phẩm cơ khí chế tạo.

Chính phủ cũng quyết tâm tạo bước phát triển vượt bậc ở khu vực dịch vụ. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao. Mặt khác, sẽ đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị công lập cung ứng dịch vụ công cộng theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước không bao cấp tràn lan.

  • Sửa đổi chế độ học phí và viện phí

Trong giáo dục, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ sẽ là nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, hoàn chỉnh và ổn định lâu dài hệ thống giáo dục quốc dân. Tập trung sức xây dựng 1 - 2 trường đại học của Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo sửa đổi chế độ học phí đi đôi với đổi mới cơ chế tài chính giáo dục - đào tạo). Về khoa học - công nghệ, sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Đổi mới tổ chức và xây dựng quy chế liên kết giữa khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo, giữa nghiên cứu và giảng dạy với sản xuất, kinh doanh.

Nhà nước sẽ tăng đầu tư để nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế vùng, các cơ sở y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi chế độ viện phí theo nguyên tắc xác định đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh và chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người bệnh.

  • Thủ trưởng cơ quan cấp trên sẽ bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới

Một trong những điểm đáng chú ý là báo cáo của Chính phủ kỳ này đưa ra một số cơ chế mới nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính công, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong đó, sẽ điều chỉnh chức năng của Chính phủ đúng với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Bộ máy Chính phủ sẽ cơ cấu lại theo hướng giảm đầu mối, phù hợp với yêu cầu đổi mới chức năng, nhiệm vụ.

Đồng thời, cơ cấu lại các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian; giảm bộ phận phục vụ trong cơ quan hành chính, chuyển sang hình thức hợp đồng dịch vụ; phân cấp mạnh cho cấp dưới gắn với việc hướng dẫn và thực hiện thanh tra, kiểm tra của cấp trên. Đối với chính quyền địa phương, sẽ giảm bớt HĐND cấp quận. “Sẽ nghiên cứu áp dụng cơ chế thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan hành chính cấp dưới” – Phó Thủ tướng cho biết.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để thực hiện đầy đủ nguyên tắc nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật. Trước mắt cần tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai các vụ tham nhũng đã• được phát hiện; ban hành quy định và xử lý thích đáng, đúng pháp luật người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi xảy ra tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng. Sớm hình thành và triển khai hoạt động có hiệu quả của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương.

Một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010

° Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân trong 5 năm 2006-2010 đạt 7,5-8%/năm, phấn đấu đạt trên 8%/năm; GDP năm 2010 theo giá so sánh gấp hơn 2,1 lần so với năm 2000, đạt khoảng 1.690-1.760 ngàn tỷ đồng theo giá hiện hành, tương đương 94-98 tỷ USD và GDP bình quân đầu người khoảng 1.050-1.100 USD.

° Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16%/năm; năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 770-780 USD/người, gấp đôi năm 2005.
 
° Tổng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 2.200 ngàn tỷ đồng (theo giá năm 2005), tương đương gần 140 tỷ USD, chiếm 40% GDP, trong đó vốn trong nước chiếm khoảng 65% và vốn bên ngoài chiếm khoảng 35%. 

NHÓM PV HÀ NỘI 

Tin cùng chuyên mục