Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 — 19-5-2006)

Bức tranh thêu: Thêm một thông điệp của hòa bình, hữu nghị

Bức tranh thêu: Thêm một thông điệp của hòa bình, hữu nghị

Một bức tranh thêu Việt Nam đã được giữ gìn cẩn thận suốt ba đời trong một gia đình người Mỹ. Sau 60 năm, bức tranh thêu đó đã đi nửa vòng trái đất để trở về chính nơi đã sinh ra nó. Và điều đặc biệt hơn cả: đây chính là món quà mà Bác Hồ tặng cố đại tá Mỹ Stephen L.Norlinger để thể hiện tình thân hữu của hai người trong những năm 40 của thế kỷ XX khi họ cùng sát cánh bên nhau bảo vệ nhân dân Việt Nam trong thế chiến thứ II. Trong những ngày này, bức tranh thêu đã được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngay giữa thủ đô Hà Nội.

  • “Best greetings from Hồ Chí Minh”
Bức tranh thêu: Thêm một thông điệp của hòa bình, hữu nghị ảnh 1

Bức tranh thêu Bác Hồ đã tặng cố đại tá Mỹ Stephen L.Norlinger.

Sau 60 năm với nhiều biến cố khiến mọi việc tưởng chừng rơi vào quên lãng. Nhưng thật không ngờ, suốt 3 thế hệ qua, gia đình đại tá Stephen L.Norlinger đã nâng niu bức tranh như vật gia bảo. Bức tranh thêu đặc biệt  này được làm bằng vải lụa có kích thước khá lớn  (58 x 205cm) thêu hình con hạc đậu trên một cành tùng với dòng chữ “Best greetings/ From Hồ Chí Minh/ Oct 1945”.

Chủ nhân của nó là đại tá Stephen L.Norlinger, có mặt ở Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX với tư cách là người đứng đầu đơn vị cứu tế xã hội của Hoa Kỳ đối với quân đồng minh ở Hà Nội. Đơn vị này có nhiệm vụ chính là giải phóng, chăm sóc thuốc men cho các tù binh bị Nhật giam giữ tại Việt Nam. Và ông cũng chính là người đã giúp đỡ chúng ta vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc cứu đói cho người dân. Bức tranh thêu chính là món quà mà Bác Hồ tặng ông để thể hiện sự thân hữu như những người đồng chí và bạn bè.

Bà Jane Coyle - đại diện gia đình cố đại tá Stephen L.Norlinger cho biết: “Bức tranh này đã được treo trang trọng trong phòng khách từ thời ông nội, bố chồng tôi cho đến chúng tôi. Đây là một kỷ vật quý của gia đình, nhưng chúng tôi vẫn quyết định tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh vì tôi nghĩ, đây là một minh chứng cho tình cảm và lòng kính trọng của một gia đình Mỹ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Như lời bà Jane thì số mệnh đã đưa Đại tá Norlinger và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhau.

  • Bức tranh thêu mang thông điệp tình bạn đã trở về

Làm việc cho Quỹ Việt Nam về giáo dục âm nhạc, bà Jane Coyle đã có thời gian sang thăm và làm việc tại Việt Nam song mọi những thông tin về bức tranh thêu đặc biệt này lại được biết đến hết sức tình cờ qua ông Nguyễn Nhã Đức trong một chuyến công tác tại Mỹ. Cũng chính từ tình bạn này mà những thông tin về việc gia đình bà Jane Coyle được thừa kế bức tranh thêu do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng đã được đưa tới Bảo tàng. Ngay sau đó Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành hàng loạt động thái xúc tiến quan hệ cũng như thu thập thêm thông tin về bức tranh thêu với mong muốn được đưa bức tranh về Việt Nam, nơi khởi nguồn của chính nó.

Song công việc không được suôn sẻ như lúc đầu vì ý định của bà Jane Coyle gặp phải sự phản đối của một số thành viên trong gia đình. Nhờ có sự nỗ lực của hai phía, cuối cùng thời điểm quan trọng nhất đã đến. Ngày 31-3, bảo tàng chính thức nhận được thư của bà Jane Coyle cùng đĩa CD có ghi gần 10 bức hình của bức tranh thêu được chụp ở các góc độ đã mô tả rất rõ nét từng chi tiết của bức tranh thêu.

Bức thư của bà Jane Coyle có đoạn: “Tôi được sở  hữu bức tranh do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông nội của chồng tôi là Stephen L.Norlinger năm 1945 tại Hà Nội, ngoài bức tranh ra còn nhiều hiện vật, thư từ của hai người. Nhiều năm qua ông Stephen L.Norlinger đã treo bức tranh cùng nhiều vật lưu niệm quý giá khác từ những năm ông làm việc ở Đông Dương và châu Âu. Giờ đây chúng tôi quyết định trao tặng lại cho nhân dân Việt Nam”.  Vậy là chính nhờ tình bạn của một người bạn Việt Nam và một người bạn Mỹ đã dẫn đường cho bức tranh thêu mang thông điệp “tình bạn” trở về.

Sau thời gian chiến tranh chia cắt và khổ đau, giờ đây đúng dịp kỷ niệm 116 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức tranh thêu này trở “về nhà”. Những người khách nước ngoài cũng như Việt Nam khi tới Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ biết thêm một câu chuyện nữa về Bác Hồ: Bức tranh thêu và thông điệp về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc mà Bác Hồ truyền lại cho chúng ta hôm nay.

THU HÀ 

Triển lãm “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

 Ngày 16- 5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, đã khai mạc triển lãm “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với gần 200 hình ảnh, hiện vật và nhiều tài liệu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Triển lãm được chia theo 3 chủ đề: Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giới thiệu một số hình ảnh về quyết tâm của Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Các hiện vật vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại càng làm sáng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người; đồng thời làm rõ hơn các chuẩn mực về đạo đức cách mạng: trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm, liên chính, chí công vô tư; yêu thương kính trọng con người; tinh thần quốc tế trong sáng...

Th.H.

Tin cùng chuyên mục