Kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2006)

Học Bác Tôn, học đạo làm người

TRẦN TÍCH
Học Bác Tôn, học đạo làm người

“Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…”.

(Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi, được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, 20-8-1958)

Chuyện của người thư ký riêng: Ba điều tâm đắc nhất

Học Bác Tôn, học đạo làm người ảnh 1

Bác Tôn với đồng bào dân tộc thiểu số.

… Cụ Lê Hữu Lập, nguyên là thư ký riêng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người có vinh dự được giúp việc Bác Tôn liên tục trong 20 năm, từ khi Bác Tôn là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch nước. Cụ Lập nhớ rất nhiều kỷ niệm về Bác Tôn, nhưng có ba điều cụ tâm đắc nhất. Trước hết, Bác Tôn là người rất khiêm tốn và sống giản dị.

Cụ Lập kể: Sau khi miền Nam được giải phóng, Bác Tôn về thăm Nhà máy Ba Son. Mọi người nhiệt liệt hoan nghênh vị Chủ tịch nước, Bác vẫy tay tươi cười và trả lời trước đám đông: “Tôi là người thợ Ba Son”. Có lần Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia) cử cán bộ biên tập đến xin phép Bác Tôn cho in những bài nói của Bác về Mặt trận Tổ quốc thành tập sách, Bác bảo những bài đó báo đăng rồi và về Mặt trận thì Bác Hồ đã nói và viết cả rồi…

Điều thứ hai, là Chủ tịch nước, có gia đình riêng, nhưng không bao giờ Bác Tôn cho phép con cháu lợi dụng danh nghĩa và uy tín của Bác làm những việc vụ lợi cho cá nhân. Trong thời kỳ bao cấp, Bác có sổ mua hàng loại đặc biệt, nhưng không cho con cháu sử dụng. Bác nói các con đã có tiêu chuẩn nhà nước cấp rồi.

Ngày ấy, người con rể của Bác là ông Dương Văn Phúc đang công tác ở tỉnh miền núi Tuyên Quang, trong khi ở Hà Nội, bà Tôn Thị Hạnh là vợ ông Phúc đang mang thai và sống vất vả. Thấy vậy có anh em thưa với Bác xin cho ông Phúc chuyển công tác về Hà Nội. Bác gạt đi ngay và nói rằng: “ở trên ấy tổ chức đang cần anh Phúc, cứ để anh ấy làm việc ở đấy”.

Sau khi miền Nam giải phóng, Văn phòng Trung ương định bố trí cho Bác một ngôi biệt thự ở khu An Phú bên bờ sông Sài Gòn. Biết tin, Bác bảo: Nhà nước đã cấp nhà cho tôi ở Hà Nội rồi. Ngôi nhà 35 Trần Phú, Hà Nội - nơi Bác ở và làm việc - Bác cũng nói rõ với hai người con gái: “Đây là nhà của Nhà nước cấp cho ba, khi ba chết thì phải trả lại Nhà nước, vì vậy các con nên kiếm một chỗ khác mà ở”.

Thế là từ năm 1970, hai gia đình hai người con gái của Bác là Tôn Thị Hạnh và Tôn Thị Nghiêm đều dọn ra bên ngoài ở. Năm 1980, sau khi Bác Tôn qua đời, ngôi nhà 35 Trần Phú đã thuộc Nhà nước quản lý. Cụ Lê Hữu Lập còn cho biết, để chăm lo sức khỏe cho Bác Tôn khi sắp bước vào tuổi 90, Văn phòng Phủ Chủ tịch nước định làm cho Bác một ngôi nhà ở trong khuôn viên chùa Võng Thị bên cạnh Hồ Tây rất mát mẻ và yên tĩnh. Mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ ngày khởi công.

Biết chuyện này, Bác Tôn gọi anh Nguyễn Việt Dũng, Chánh Văn phòng Chủ tịch nước, đến hỏi: “Các anh định làm nhà cho tôi đấy à?”. Nghe Bác hỏi đột ngột, anh Việt Dũng liền nói dối: “Dạ thưa không ạ, nghe đâu bên Văn phòng Chính phủ làm nhà khách”. Bác nói ngay: “Nếu vậy thì đó là việc khác, còn nếu các anh làm nhà cho tôi thì các anh ở”.

Điều thứ ba, cụ Lập kể tiếp: Bác Tôn là người sống đôn hậu, tình nghĩa trước sau vẹn toàn. Ngay từ khi còn ở chiến khu Việt Bắc, Bác đã gửi tấm ảnh Bác chụp với đứa cháu ngoại về tặng gia đình cụ Khuất Duy Trí ở Trạch Mỹ Lộc, Phúc Thọ, Hà Tây. Đây là cơ sở bí mật Bác Tôn chỉ đạo đúc vàng cho Nhà nước sau khi phát động “tuần lễ vàng”. Sau tấm ảnh, Bác ghi những lời chứa chan tình cảm “ở nhà anh hơn một năm, không thể quên ông cụ và bà cụ. Nhớ ơn nhà ấy, tôi xin gởi đến anh bức ảnh này để tỏ lòng biết ơn và lòng thân mến của tôi”…

Mẩu chuyện nhỏ, bài học lớn

Ông Nguyễn Văn Mùi, người có vinh dự lái xe cho Bác Tôn trong 10 năm, nhớ lại: Ngày ấy, đất nước còn nghèo, Bác Tôn thường ngày đi làm bằng xe Moscovic. Bác chỉ dùng xe Volga khi đón khách quốc tế. Thỉnh thoảng Bác lại bảo cho Bác đi xe U-oát và thường đi từ Hà Nội theo các tuyến đường 1, 5. Bác yêu cầu tài xế đi chậm và chừng 30 cây số là quay về.

Trên đường đi, Bác quan sát đồng ruộng xem bà con nông dân lao động. Có lúc Bác xuống hỏi chuyện bà con, có người nhận ra Bác Tôn, có người cho là cụ già ở Hà Nội trên đường về quê… Văn phòng nhiều lần định bố trí Bác đi về thăm các vùng và cơ sở nhưng Bác bảo: “Về thăm nơi nào là phải có mục đích và giải quyết được những điều thiết thực, có ích cho địa phương, nếu cứ về rồi nói chung chung thì thôi; đỡ mất thì giờ đón tiếp của cán bộ và nhân dân...”.

Ông Nguyễn Văn Mùi lại kể một chuyện rất nhỏ, nhưng là một bài học lớn. “Số là vào một buổi chiều, theo lịch công tác thì Bác không đi đâu cả, nhưng cứ thấy Bác đi ra đi vào trong sân. Anh em văn phòng gọi tôi và bảo anh lên xem có khi Bác đang cần đi xe đấy. Tôi vội vàng lên gặp Bác. Trông thấy tôi, Bác đắn đo một lát rồi nói: “Tôi có một việc riêng, muốn lên Vĩnh Yên gặp con bé cháu đang học ở đó, có được không?”. Tôi vội vàng nói: “Thưa Bác, Bác muốn dùng xe đi đâu cũng được ạ!”. Bác cười và nói ngay, nhưng đây là việc riêng anh ạ...

GS Trần Văn Giàu năm nay 96 tuổi, người đã có thời gian dài sống gần gũi và có nhiều kỷ niệm với Bác Tôn ở Hà Nội, nói với chúng tôi những lời đúc kết: “Cụ Tôn là nhà hoạt động thực tiễn, là người hành động và hành động. Cụ Tôn không phải là nhà lý luận, mà là người hiểu lý luận. Cụ Tôn không viết sách, viết báo, nhưng cuộc đời của Cụ Tôn là một pho sách rất đồ sộ, mà lật trang nào cũng thấy hay. Học Cụ Tôn là học ở cái đạo làm người …”.

TRẦN TÍCH 

Tin cùng chuyên mục