Đồng chí Lê Duẩn – người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam

Tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Đồng chí Lê Duẩn – người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam

(Diễn văn của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn)

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng và Mẹ Việt Nam Anh hùng,
Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,
Thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí và các bạn,

Đồng chí Lê Duẩn – người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MINH ĐIỀN

Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007), nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người cộng sản kiên trung, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã nêu tấm gương sáng của một người chiến sĩ cách mạng tiên phong, cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta trong thế kỷ XX.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907 trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Sớm giác ngộ cách mạng và tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928; năm 1930, đồng chí Lê Duẩn là một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Cũng trong năm đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Hải Phòng, kết án 20 năm tù cấm cố và lần lượt bị đầy ải ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo. Năm 1936, do cuộc đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận nhân dân ở Pháp, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra tù, vượt qua sự đe dọa, quản thúc của chính quyền thực dân, đồng chí lập tức trở lại hoạt động cách mạng, củng cố tổ chức đảng ở các tỉnh miền Trung và góp phần vào thành công của cuộc vận động dân chủ do Đảng ta lãnh đạo trong những năm 1936 - 1939.

Năm 1937, đồng chí giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1939, đồng chí được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1940, đồng chí lại bị địch bắt ở Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Năm 1946, ra Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm đó, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm 1946 đến năm 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí được phân công trực tiếp cùng với tập thể lãnh đạo Trung ương Cục tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ năm 1954 đến năm 1957, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương phân công trở lại miền Nam để lãnh đạo cách mạng. Trong những năm tháng vô cùng khó khăn, với sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, sống trong lòng nhân dân, đồng chí đã kiên trì bám trụ, từ vùng nông thôn hẻo lánh đến các thành phố để củng cố các cơ sở cách mạng, chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Năm 1957, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều động ra miền Bắc, cử vào Ban Bí thư, chủ trì công việc của Ban Bí thư và là Phó ban chuẩn bị văn kiện Đại hội III của Đảng. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976) và lần thứ V của Đảng (năm 1982), đồng chí Lê Duẩn tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hoạt động cách mạng trên cả ba miền của Tổ quốc, trải qua mọi thử thách khắc nghiệt của lao tù đế quốc cũng như chiến tranh ác liệt, luôn luôn gắn bó với đồng bào, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp to lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Suốt đời phấn đấu theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân ta, đồng chí Lê Duẩn là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Đồng chí Lê Duẩn – người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam ảnh 2
Tiết mục múa hát trái tim dâng Đảng do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Quốc gia biểu diễn

Trên các cương vị quan trọng của Đảng từ sau khi Đảng ra đời và với 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng (1960 - 1986), đồng chí Lê Duẩn không chỉ là một nhà hoạt động chính trị kiên định, mà còn là một kiến trúc sư chiến lược của Đảng ta.

Đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, xác định đường lối, chính sách của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khoa học quân sự cách mạng Việt Nam, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động khác, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân giành độc lập, tự do.

Năm 1939, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí đã góp phần cùng Ban Chấp hành Trung ương xây dựng nghị quyết đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Phản đế Đông Dương, làm cho đường lối cách mạng nước ta trở lại đúng với tinh thần cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Người khởi thảo đầu năm 1930.

Năm 1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp ở Việt Bắc, tuy không ra dự được nhưng đồng chí đã gửi thư đóng góp những ý kiến quan trọng với Đại hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở miền Nam, đồng chí đã cùng Xứ ủy Nam bộ đề ra chủ trương tiến hành cách mạng ruộng đất với phương pháp thích hợp, đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm cho kháng chiến ở Nam bộ có bước phát triển rõ rệt và góp phần cùng cả nước giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.

Những năm trở lại hoạt động ở miền Nam sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vượt qua sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, bám sát thực tế đấu tranh bất khuất của đồng bào và nhìn rõ kẻ thù đã phá bỏ Hiệp định đình chiến, đồng chí Lê Duẩn đã sớm suy nghĩ và tìm tòi đường lối cho cách mạng miền Nam. Tháng 8-1956, bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí khởi thảo đã hoàn thành, góp phần quan trọng vào sự ra đời Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (năm 1959). Nghị quyết 15 thể hiện sự thống nhất về tư duy chiến lược giữa Trung ương và các cấp lãnh đạo ở miền Nam, phản ánh đúng yêu cầu của lịch sử, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, dẫn đến cao trào Đồng khởi oanh liệt trong những năm 1959 - 1960, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, mở ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam, góp phần bảo vệ và củng cố miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Phó trưởng ban chuẩn bị Báo cáo chính trị cho Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc hình thành đường lối cách mạng cả nước. Đó là đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; kết hợp chặt chẽ hai chiến lược đó với nhau nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà.

Đường lối đó thể hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp những yêu cầu cơ bản của nhân dân ta với những mục tiêu cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, do đó đã động viên và tổ chức đến trình độ cao sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân các nước đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Đường lối đó cũng là cơ sở để hoạch định chiến lược tiến công và sáng tạo ra nghệ thuật biết đánh, biết thắng từng bước kẻ thù xâm lược, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế trong những năm 60 và trước những thử thách quyết liệt của tình hình trong nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (1960 - 1976), chịu trách nhiệm lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã tỏ rõ là một nhà tổ chức tài năng, góp phần to lớn vào việc lãnh đạo xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chỉ đạo tổ chức cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, từng bước bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta. Trước đau thương vô hạn và tổn thất lớn lao đó, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, thực hiện lời thề với Người, đưa ngọn cờ độc lập - tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đích: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những chiến công chói lọi nhất của dân tộc ta và của loài người trong thế kỷ XX.

Đất nước thống nhất, 10 năm trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng (1976 - 1986), đồng chí Lê Duẩn đã cùng Ban Chấp hành Trung ương vạch ra và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời định ra chiến lược kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Lý tưởng và hoài bão suốt đời của đồng chí Lê Duẩn là Tổ quốc độc lập và thống nhất, nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình.

Về mặt quốc tế, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp lớn vào việc xây dựng, củng cố tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân Lào, Campuchia và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; góp phần vào việc bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống chủ nghĩa cơ hội và xét lại, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

Đánh giá công lao của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định: Là một người mácxít - lêninnít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp, lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn và những công hiến xuất sắc của đồng chí. Tấm gương của đồng chí mãi mãi tỏa sáng.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Hai mươi sáu năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn vừa là nhà lãnh đạo chính trị kiên định, nhà chiến lược xuất sắc, nhà tổ chức tài năng, vừa là một nhà tư tưởng, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc về lý luận.

Đồng chí luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh Việt Nam để cùng với Đảng ta đề ra đường lối chiến lược đúng đắn, phương pháp cách mạng và khoa học.

Điều ấy được thể hiện ở hàng loạt tác phẩm giàu tính lý luận, khái quát từ thực tiễn cách mạng hết sức phong phú, có tính đến những biến đổi phức tạp của thế giới, của thời đại. Những tư tưởng lớn của đồng chí đóng góp vào việc xác định chính sách mới của Đảng ở Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (năm 1939), vào đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân qua bản kiến nghị quan trọng với Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), vào việc hoạch định con đường đi lên của cách mạng miền Nam qua bản Đề cương cách mạng miền Nam và việc chuẩn bị Nghị quyết 15 của Trung ương (năm 1959), sau này đã được bổ sung và phát triển một cách toàn diện trong những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX và đã là những đóng góp có ý nghĩa quyết định vào sự lãnh đạo của Đảng để đưa cách mạng Việt Nam đến toàn thắng vào mùa Xuân năm 1975.

Về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã kiên trì nguyên tắc kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là nhà lãnh đạo chiến lược của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đường lối, phương pháp và nghệ thuật cách mạng, chiến lược và sách lược cách mạng, mà điều bao trùm nhất là tìm hiểu và nắm vững những quy luật và những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam, vận dụng một cách đúng đắn vào thực tiễn, để thực tiễn kiểm nghiệm.

Một nét rất nổi bật ở đồng chí Lê Duẩn là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn trăn trở với những vấn đề mà cuộc sống đặt ra, luôn suy nghĩ tìm tòi cái mới.

Những đóng góp của đồng chí Lê Duẩn về lý luận trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã làm phong phú thêm kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Trước những thử thách nghiệt ngã của cuộc đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ, đồng chí Lê Duẩn luôn nêu tấm gương về lòng trung thành vô hạn với Đảng và cách mạng, với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao cả, luôn kiên định ý chí cách mạng tiến công, một lòng một dạ phục vụ sự nghiệp độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Đồng chí sống một cuộc đời trung thực và giản dị, luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, với tình thương yêu tha thiết và chân thành đối với mọi người, quan tâm đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân; luôn coi trọng tình thương và lẽ phải.

Đồng chí còn là tấm gương của một chiến sĩ quốc tế trong sáng, suốt đời noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết quốc tế giữa các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, chúng ta tưởng nhớ đến một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, người đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên các chặng đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Noi gương đồng chí, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tăng cường đoàn kết nhất trí, tranh thủ thời cơ, sáng tạo và tiến lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra, thực hiện có kết quả cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quyết phấn đấu đưa sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đến thắng lợi.

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Xin trân trọng cảm ơn.

—————
(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt.

Tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm
ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Sáng 6-4, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam... đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đến dự có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; cùng đông đảo đại biểu các ban ngành Trung ương và Hà Nội; đại diện quê hương Quảng Trị và thân nhân của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: “Trên các cương vị quan trọng của Đảng từ sau khi Đảng ra đời và với 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng (1960-1986), đồng chí Lê Duẩn không chỉ là một nhà hoạt động chính trị kiên định, mà còn là một kiến trúc sư chiến lược của Đảng ta. Đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, xác định đường lối, chính sách của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khoa học quân sự cách mạng Việt Nam, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động khác, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do” (xem toàn văn đăng trên số báo hôm nay).

Tiếp theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị – quê hương của đồng chí Lê Duẩn và đại diện của thế hệ trẻ hôm nay đã phát biểu ý kiến tưởng nhớ đến công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn.

H.L. - V.H.

Tin cùng chuyên mục