Chú Năm Xuân trong tôi…

Chú Năm Xuân trong tôi…

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên được gặp ông Năm khi chú Mười (1) gọi đi theo ra Vũng Tàu đột xuất vào mùa hè năm 1981. Chiều sập tối, chiếc xe Peugeot 404 của chú Mười ọp ẹp chở vội, chạy tức tốc như được lệnh. Khoảng 6 giờ rưỡi, xe vừa trờ vào nhà khách của Thành ủy thì đã có chú Mười và ông Năm ngồi vào bàn ăn. Người ông Năm cao ráo, khỏe mạnh, thoạt đầu trông nghiêm nghị, “dữ dằn” như lời đồn về ông “trùm” Công an, nhưng lạ thay khi nhìn ông cười thì hoàn toàn trái ngược, hiền lành, dễ dãi, thậm chí “cãi lại” cũng không sao! Buổi cơm tối chỉ có hai ông già và tôi.

Ông Năm ít nói, thỉnh thoảng nhìn thẳng vào mắt tôi, ngồi đối diện, hỏi “Sao, tụi bây ở Nhật Bản thấy tụi nó làm ăn ra sao, có muốn chơi với mình không?”; Tôi không dám nói gì, mới gặp ông lần đầu… cũng ngại thật, vả lại ông lớn quá (chức vụ, thể xác và tinh thần) áp đảo cái tính vốn thẳng thắn, bộc trực của tôi.

Chú Năm Xuân trong tôi… ảnh 1

Tác giả và đồng chí Mai Chí Thọ (phải) tại Tokyo (1981).

Mãi độ vài tuần sau, tôi mới biết “ông Năm giao mầy cho tao, dặn tao là phải lo”, chú Mười tâm sự. Hèn gì chú Mười bố trí các nơi trong thành phố cho tôi được xem, được biết thoải mái thực trạng sản xuất, kinh doanh, thúc bách tôi phải viết nhận xét của mình mà không nói lý do. Và cuộc gặp gỡ đầu tiên ở Vũng Tàu đã thay đổi định hướng của bản thân tôi vào lần đến thăm ông Năm tại nhà riêng ở đường Duy Tân trước khi lên đường trở lại Nhật.

“Tao đã nghe ông Mười nói về mầy rồi, hãy về Nhật nghiên cứu cho kỹ thị trường rồi quay lại…thành phố đang cần những “thằng” như mầy…”.

Ông bảo tôi ăn cơm gia đình với ông. Một dĩa thịt heo ba chỉ luộc, một dĩa bày một lát chả lụa cắt mỏng và rau muống chấm nước mắm kèm bát canh tàu hũ non, chỉ có vậy nhưng ấm lòng biết bao.
Lần sau tôi trở lại thành phố, kể từ lúc ấy tôi gọi ông là “chú Năm”, ngồi bên xem chú đánh bài tú lơ khơ với ông Hai Nghệ(2), bác Hai già(3) và một người bảo vệ… bất ngờ nhất là thấy chú Năm cười sảng khoái hồn nhiên khi ăn được ván bài bác Hai trong khi bị bác phản đối… cho rằng “anh Năm ăn gian”.

Chú ít nhậu, nhưng cũng không cấm chú Mười Lù, bác sĩ riêng của chú, đám con cháu như anh Năm Tải (4), Tư Đức… nấu cà ri con cheo, con mễn bắt được khi đi săn về vào những ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng chú còn đem chai rượu tây của khách biếu xuống cho cả đám uống. Thím Năm thì lặng lẽ, âm thầm lo cho ông, cho mấy người con, tháng tháng đi xe đò về quê hái mít, trái cây ở vườn nhà đem lên, có khi xay gạo lấy cám “tăng gia” bụi bặm trong sân tennis… bị chú và hàng xóm kêu rêu đến khổ.

Trước đây, bản thân tôi không nghĩ gia đình chú Năm quá thanh hàn, đường đường là một ông chủ tịch, phó bí thư của một thành phố hạng nhất nước này mà cũng chỉ có vậy. Bà vợ ngài chủ tịch, thím Năm lại còn khiêm cung hơn, chẳng bao giờ lên xe của ông hay dùng xe để đi xa của sở ban ngành trong thành phố bố trí. Khó hiểu nhưng là sự thật và điều đó đã cảm hóa “thằng” học trò xa xứ, mấy chục năm, sống quen trên phương tiện hiện đại như tôi. Đạo đức của Bác Hồ ghi trong sách, trong cuộc sống bình dị của Người hình như chú Năm đã thấm nhuần đến mức “cực đoan” khi nhìn từ bên trong.

Hôm nay chú đã đi xa, tôi không đủ tư cách để đánh giá, có lẽ rất nhiều người còn hiểu chú Năm hơn, nhất là những đồng chí, anh em con cháu trong mỗi đơn vị từng chia ngọt xẻ bùi với chú, thím và gia đình. Tôi chỉ dám nói là chú Năm giản dị, chan hòa và thật dễ tính cởi mở mỗi khi gần gũi nhưng lúc “ông già” nổi nóng thì đừng hòng…

Tôi chỉ nhớ một sáng chủ nhật, chú ào ào đến nhà tôi ở cư xá Bắc Hải, không hẹn trước. Bước vào nhà chưa vội ngồi, chú bước ngay lên thẳng căn gác ngắm nghía căn phòng nhỏ nơi tôi làm chỗ ngủ, rồi buột miệng “kể ra mầy cũng đơn giản đó, chịu khó thế là tốt”, có lẽ chú chẳng thấy có máy lạnh, ti vi hiện đại chăng. Không biết đó là nhận xét hay lời động viên của một người lãnh đạo, tôi chỉ lí nhí “thì có thế thôi mà chú”.

Ngồi qua tuần trà sau tô hủ tiếu ngon lành vì chú chưa ăn sáng, khi ra về thì chiếc xe Peugeot 504 của chú nằm ụ, anh lái xe “đề” mãi chỉ kêu xẹt xẹt như hết “bình”. Mấy chú cháu đẩy gần hụt hơi, xe vẫn chẳng nổ. Chừng mười phút, xe cứ lì không chịu nhúc nhích, ông xăm xăm đi bộ qua nhà chú Ba Trần ở cuối góc, vào mượn điện thoại gọi về nhà rồi trở lại chờ xe khác đến đón. Lúc ấy cả xóm mới hay, công an khu vực, phường, bà con lối xóm ùn ùn đến “xem” mặt mũi ông Mai Chí Thọ, vị chủ tịch thành phố “to” nhất. Trước khi chia tay, chú Năm cười giòn tan “được bữa tập thể dục quá đã, rảnh thì nhớ lên tao chơi”.

Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về chú Năm Xuân nhưng tôi chỉ ghi lại những ngày gặp chú lần đầu tiên và lần cuối cùng vào tháng 12 năm ngoái ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Chú Năm già đi rất nhiều, môi run run khi bắt chuyện. Bệnh tiểu đường đã tấn công vào các bộ phận khác rồi chăng. Vẫn gầy guộc, hơi xanh nhưng chú Năm ngồi lắng nghe rất nghiêm túc các ý kiến của các vị lão thành trong lĩnh vực văn hóa,văn nghệ, giáo dục… đề xuất về việc giữ gìn bản sắc của nước ta trong khi hội nhập. Chú ghi chép khi gặp được ý hay hoặc chuẩn bị cho phần phát biểu sắp tới? Ngồi ngay đầu góc bàn cách chú vài mét, thỉnh thoảng tôi thấy chú tư lự, đưa tay vuốt mặt cho tỉnh táo hay tỏ vẻ băn khoăn khi nghe trực tiếp các góp ý có phần gay gắt.

Sau khi các vị tham dự đã nói xong, giáo sư Mai Quốc Liên mời chú có ý kiến. Không dông dài, gãy gọn bắt đầu từ bài viết của chú đăng trên báo gần đây. Đại ý “Các đồng chí thấy đấy, tôi viết mà có khi bị tóm gọn cho dễ hiểu (!?) (mọi người cười ồ), huống chi là các đồng chí, nhưng đừng nản lòng, hãy viết và bày tỏ suy nghĩ của mình gửi cho Trung ương, cho Quốc hội để làm sao giữ được văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn và trí tuệ của người Việt mình, nêu bật bản sắc vốn có để không bị lai căng mất gốc… Mỗi tối bật ti vi cứ nghe mãi nào Gi-đi-pi rồi Gê-đê-pê (GDP), Ép-đi-ai (FDI) gì gì sao mà vô cảm, ngọng nghịu, bộ tiếng Việt hết chữ rồi sao… Tôi còn sống thì còn suy nghĩ để góp ý với Đảng, với nhân dân…”. Chú phát biểu làm nóng cả hội trường, mọi người không ngờ chú Năm vẫn còn phong độ, sắc bén và cũng trăn trở, chia sẻ với nỗi niềm của những người trí thức cách mạng đến như vậy trong những ngày cuối đời.

Tay chú Năm hôm ấy vẫn ấm, nụ cười vẫn nồng hậu, hiền hòa như xưa và trái tim, tấm lòng cộng sản của chú vẫn đỏ chói như ngày nào cầm quân đánh giặc, lãnh đạo thành phố…

(1) Ông Mười Phi (Nguyễn Văn Phi), Thứ trưởng Ngoại thương kiêm Giám đốc Sở Ngoại thương TPHCM (đã mất).
(2) Ông Hai Nghệ, đại tá Cục Cảnh vệ (đã mất).
(3) Ông Hai già, bạn chí cốt của chú Năm (đã mất).
(4) Ông Năm Tải (Ngô Lực Tải), nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải. 

HỒNG LÊ THỌ

Tin cùng chuyên mục